Sunday, 20 November 2011

Liệt sỹ Nguyễn Văn Mao - người anh hùng đã để lại "Dáng đứng Việt Nam"

Hôm nay lang thang trên Internet tìm đọc thơ, tôi bắt gặp bài viết "Một huyền thoại trong thơ" của TS.Phạm Thành Hưng đăng trong Kỷ yếu một cuộc tọa đàm về nhà thơ Lê Anh Xuân. Trong bài viết này có nêu ra tên thật của người chiến sỹ đã hy sinh trong một trận đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất. Cái chết anh hùng của anh đã là cảm xúc để L.A.Xuân viết nên bài thơ nổi tiếng.

Văn bản kỷ yếu này có thể tìm thấy tại đây.
Sau đây là đoạn trích nói về người liệt sỹ:

Lần thứ 4 tôi đọc bài thơ khi viếng nghĩa trang Đường 9, nơi có rất nhiều sinh viên trong đại đội tôi yên nghỉ. Tôi chợt nhớ tới 2 cách ví von trái chiều nhau. Một triết gia thông thái nào đó ở phương Tây gọi thư viện sách là nơi lưu giữ hài cốt của trí tuệ. Còn người VN, nhà thơ Diệp Minh Tuyền trong bài thơ “Tản mạn trong nghĩa trang chiều” lại ví nghĩa trang như một thư viện lớn, mỗi tấm bia là một cuốn sách dày, mỗi cuốn sách đều đang viết giở. Cách nhìn cuộc đời của nhà thơ VN ở đây có chiều sâu nhân văn hơn. Sau mỗi tấm bia hồi hộp những linh hồn. Tôi nghĩ, bài thơ DĐVN cũng là một tấm bia, cũng là một nén hương thắp cho người chiến sỹ vô danh hy sinh trong trận đánh sân bay TSN. Khi viết bài thơ này, Lê Anh Xuân và các chiến sỹ trong hậu cứ chưa hề xác định được danh tính liệt sỹ đó. Chính vì vậy mới có câu hỏi vừa có chức năng tu từ vừa phản ánh đúng sự thật: Anh tên gì hỡi anh yêu quý”.

Chuyện kể rằng, năm 1966, không quân Mỹ ném bom miền Bắc, tàn sát nhiều người dân vô tội ngay trên đất Hà Nội. Để trả thù cho đồng bào Hà Nội, có hai đơn vị quân giải phóng được lệnh đánh vào sân bay TSN. Trận đánh thắng lợi, ta tiêu diệt hàng trăm máy bay các loại trên các đường băng. Nhưng trên đường rút lui, có một chiến sỹ bị kẹt lại giữa vòng vây địch. Anh bị thương nhưng vẫn gượng đứng lên nổ súng. Bọn giặc gọi hàng, anh trả lời “Quân giải phóng không biết đầu hàng", và tiếp tục chiến đấu. Tư thế chết đứng của anh làm quân thù kinh sợ. Khi khám tử thi, bọn giặc không thấy trong anh có một mảnh giấy nào để xác minh họ tên, đơn vị… Nghe câu chuyện kể lại, ngay đêm ấy LAX viết xong bài thơ cho kịp ngày hôm sau lên đường. Đoạn đầu của bài thơ đậm tính tự sự, miêu tả một câu chuyện có thật về người chiến sỹ vô danh đó. Hình tượng thơ vận động từ cụ thể tới khái quát, từ hiện thực tới lãng mạn. Cuối bài thơ, không gian nghệ thuật mở rộng thành một không gian sử thi hoành tráng. Câu chuyện riêng của một người đã thành câu chuyện chung của đất nước. Trong một chừng mực nhất định, có thể gọi đây như là bài thơ “tượng táng”. Nhà thơ đã tượng táng chiến sỹ vô danh đó bằng ngôn ngữ thi ca.

Hôm nay, người chiến sỹ của LAX không còn vô danh nữa. Theo nhà văn Đinh Phong, anh giải phóng quân đó chính là anh Nguyễn Văn Mao, quê ở xã Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh, Tp Hồ Chí Minh, khi ở lại yểm hộ, chặn đường cho đồng đội rút ra khỏi sân bay, rồi hy sinh là Trung đội phó trung đội trinh sát thuộc tiểu đoàn 6 - Bình Tiên, tiểu đoàn từng 3 lần nhận danh hiệu Anh hùng LLVT. Liệt sỹ Nguyễn Văn Mao cũng đã được hoàn thiện hồ sơ để truy tặng danh hiệu Anh hùng. Cả hai - nhân vật trữ tình và thi sỹ, đều đang thành tên đất nước”.

Friday, 3 June 2011

Những vần thơ tá lả

Dân miền Bắc chắc chẳng ai không biết về trò đánh tá lả, nó làm bao nhiêu người ham mê, mất rất nhiều thời gian. Tất nhiên, nó cũng đi vào thơ ca nữa (thơ con cóc thôi):

TẠI SAO ĐAM MÊ:
Thời gian chạy nhanh như chó đuổi
Ngoảnh lại đã mùa thu cuộc đời
Thèm những đam mê thời cháy bỏng
Chỉ còn một cách ngồi chơi

TRỐNG VẮNG:
Thế giới thì sôi động.
Sao xung quanh lặng im ?
Hay lòng ta băng giá ?
Hay bạn bè lãng quên ?

LÝ SỰ:
Đâu phải súng gươm mới tạo anh hùng
Ta vẫn gọi nhau là tứ cường đấy nhé
Đầy bản lĩnh lại trăm mưu ngàn kế
Ta là đối phương nhưng chung một chiến hào

TỰ GIỄU:
Cứ ngỡ mình sánh ngang Tôn Tử
Bốn chàng trai với đức cạn tài nông
Cùng chau mày bài binh bố trận
Để tối về vợ phạt nằm không

VẪN DẤN THÂN: (sưu tầm)
Những lúc say sưa cũng muốn chừa
Muốn chừa, nhưng tính lại hay ưa
Hay ưa, nhưng tính không chừa được
Chừa được, nhưng cũng chẳng muốn chừa.

(BĐ, sáng tác và sưu tầm)

Monday, 18 April 2011

Bài thơ "Thịt chó bảy món"

Khi anh đã chó rồi
Em còn cầy tơ lắm
Lá mơ, thêm bát mắm
Xoá khoảng cách thời gian
Luộc, nhựa mận, lòng, gan
Bát tiết canh nóng hổi
Vài ba chai uống vội
Thấy đất trời ngả nghiêng

CK

Wednesday, 23 March 2011

Những samurai của Việt Nam

Trong những ngày qua, khi nước Nhật gặp phải thảm họa kép động đất - sóng thần - nổ nhà máy điện hạt nhân, chúng ta đã được chứng kiến tình cảm của người VN đối với bạn bè. Người dân buồn bã, thậm chí xấu hổ khi thấy khoản tiền trợ giúp quá ít ỏi mà Chính Phủ đưa ra. Rồi một phong trào quyên góp ủng hộ nhân dân Nhật được phát động khắp cả nước. Trên thế giới mạng tràn ngập những lời chia xẻ đau thương và những lời động viên, khâm phục tinh thần chịu đựng, tính trách nhiệm và tính kỷ luật của người dân Nhật Bản. Những kỹ sư, những người thợ chấp nhận tiếp tục ở lại nơi có dò gỉ phóng xạ để quyết tâm cứu các nhà máy điện hạt nhân được tôn vinh là những samurai thời hiện đại. Tất cả những điều đó đều quá đúng với người Nhật.

Tuy nhiên, một số người lại liên hệ ngược để nói rằng người VN ta hoàn toàn không có những đức tính cao quý ấy. Họ nói cũng chẳng sai. Người VN ta hiện nay quá quen với thái độ chen lấn, tranh cướp, hành động ích kỷ nơi công cộng. Nhưng nếu nhớ lại thời kỳ chiến tranh có thể thấy người VN ta không thiếu các tấm gương hy sinh vì cộng đồng. Đó thực sự là cái thời "ra ngõ gặp anh hùng" vậy. Ngay cả trong những ngày bão lụt khủng khiếp ở miền Trung cũng có rất nhiều tấm gương về những con người cao thượng. Trong đại nạn thì không còn chỗ cho các toan tính nhỏ nhen.

Thế tại sao trong cuộc sống thường ngày ở nước ta lại có hiện tượng "ra ngõ gặp Chí Phèo" ? Câu chuyện em bé 9 tuổi người Nhật không nhận sự ưu ái cho riêng mình mà hy sinh vì sự công bằng làm cả thế giới xúc động và ngưỡng mộ. Nếu ở VN liệu em bé ấy có dám hành động như thế không ? Nếu nhìn thấy những người phân phát hàng cứu trợ tham ô phần nhiều cho gia đình mình, ưu tiên phân phát cho những người thân quen ... thì em bé ấy sẽ cảm thấy suy nghĩ như mình là "dở hơi", chờ đợi đến lượt mình thì chết đói trước khi trở thành người tốt. Người Nhật không tranh cướp vì họ có niềm tin rằng chính quyền sẽ công bằng và làm hết sức mình để cứu người dân.

Tôi muốn kể lại 1 câu chuyện về những samurai của Việt Nam ngày nay: Ai cũng biết cách đây 8 năm, một du khách Hongkong vào VN vô tình mang theo căn bệnh SARS chết người. Bệnh này gây kinh hoàng khi lây rất nhanh theo đường hô hấp qua tiếp xúc và người bị lây nhiễm hầu hết cũng tử vong rất nhanh. 4 bác sĩ và y tá có tiếp xúc với bệnh nhân đã bị lây nhiễm nhanh chóng hôn mê và tử vong sau vài ngày. Bộ Y tế VN và Tổ chức YTTG vào cuộc. Các thông tin được công khai: Đây là căn bệnh rất mới, thế giới không có kinh nghiệm gì, phác đồ ngăn chặn và điều trị được đưa ra  mang tính cấp cứu. Người dân cả Hà Nội sống trong căng thẳng với nguy cơ vô hình.

Viện Y học lâm sàng nhiệt đới là đơn vị được chỉ định làm đầu mối điều trị cho các bệnh nhân có dấu hiệu nhiễm bệnh. Lúc này, nếu có một nhân viên y tế nào của Viện quá lo sợ mà bỏ việc thì cũng là điều dễ hiểu, vì tính mạng cao hơn một suất việc làm. Nhưng trách nhiệm xã hội đang trên vai họ. Họ không làm việc thì xã hội trông chờ ai ? Sự thật là không có một nhân viên nào bỏ nhiệm sở. Qua câu chuyện này ta có thể thấy rõ người VN có tinh thần cao thế nào khi trách nhiệm thực sự đặt lên vai họ.

Vấn đề là có mấy khi chúng ta được gánh vác trách nhiệm :-))
Lúc bình thường thì các đồng chí quyền cao chức trọng và con cháu các đồng chí ấy nai lưng gánh hết các "trách nhiệm" rồi còn đâu. Trách gì mà người dân thấp cổ bé họng chẳng vô trách nhiệm.

Saturday, 19 February 2011

Không được phép tạo ra một linh vật lai căng

.
Người VN, dù có tín ngưỡng hay không, thì ai cũng công nhận rằng Rùa Hồ Gươm là biểu tượng linh thiêng của quốc gia. Vì thế mà dân ta tôn kính gọi là Cụ Rùa. Cụ Rùa Hồ Gươm là biểu tượng của ý chí độc lập tự cường của dân tộc. Vua Lê được Trời ban gươm báu để đánh giặc còn có ý nghĩa là Trời phật luôn che chở dân tộc ta trong mọi lúc gian nguy. Khi Đất nước thái bình thì Trời đòi lại gươm báu, vì gươm giáo chỉ được phép dùng để chống giặc ngoại xâm, không bao giờ được phép dùng để đàn áp nhân dân. Câu chuyện đòi gươm báu vì thế mà mang ý nghĩa nhân văn cao cả.
Hàng trăm người dân vây quanh Hồ Gươm để chiêm ngưỡng Cụ Rùa
Những ngày này sức khỏe của Cụ không tốt làm cả nước lo lắng. Trong khi các nhà khoa học sốt sắng đưa ra các biện pháp chữa trị cho Cụ thì các quan chức lại lo sợ trách nhiệm mà lừng chừng chẳng dám quyết. Tội cho Cụ quá.
Cụ Rùa với vết thương đầy mình như muốn trèo lên bờ
Một trong những nghi phạm làm tổn thương Cụ Rùa chính là bè lũ rùa tai đỏ có nguồn gốc từ Nước Lạ mà một số người vô ý thức đã thả xuống Hồ Gươm. Giờ thấy Cụ tuổi già sức yếu thì một vài người lại nghĩ tới chuyện ghép đôi cho Cụ để rùa thiêng "người nối dõi" - một tình cảm rất Á đông. Nghĩ thế thì cũng phải, nhưng nếu tìm bạn đời cho Cụ thì chỉ nên nghĩ tới rùa Đồng Mô. Đừng bao giờ nên nghĩ tới ghép đôi với rùa Nước Lạ. Vì sao ư ? Vì Cụ Rùa Hồ Gươm là linh vật thiêng liêng đối với người VN chúng ta. Nếu cho ghép đôi và thả con lai của Cụ vào Hồ Gươm thì dân Việt ta sẽ cảm thấy xúc phạm lắm. Đó sẽ chỉ là một con rùa lai chứ chẳng bao giờ có thể là Rùa thiêng trong tâm linh của người Việt.

Một điều nữa là câu hỏi: Tại sao môi trường Hồ Gươm đã quá ô nhiễm bao nhiêu năm nay mà chính quyền thành phố vẫn không có biện pháp cải tạo ? Thứ nhất, như đã nói, là họ vô cảm và sợ trách nhiệm. Thứ hai là họ đặt ra quá nhiều mục tiêu. Trong khi muốn cải thiện môi trường nước Hồ Gươm thì lại muốn giữ nguyên vẹn cái màu xanh đặc trưng của nước hồ. Cái màu xanh ấy là do một số loại tảo tạo ra. Có khó khăn gì trong việc giữ lại khoảng 100 m3 nước hồ để nhân giống tảo có màu xanh ấy. Mà cái màu xanh ấy liệu có quan trọng bằng một hồ nước trong lành, xứng đáng là nơi gửi gắm hồn thiêng của dân tộc.

Cụ Rùa, cũng như mọi vĩ nhân khác, đã sinh ra thì rồi sẽ có ngày Cụ từ giã cõi trần để về giời. Cái quan trọng là phải chăm lo cho sức khỏe cụ lúc còn sống. Một mai nếu cụ từ biệt chúng ta, thì đã có Rùa Đồng Mô kế tục ngôi vị đặc biệt của Cụ. Mà Hồ Gươm, nếu sau này không còn Cụ Rùa, thì hình ảnh của Cụ cũng mãi mãi sống trong tâm linh người Việt, như hình ảnh của Thánh Gióng, Sơn Tinh, Lạc Long quân, Chử Đồng Tử ... Không bao giờ, không bao giờ chúng ta cần một con rùa lai ngự trị ở Hồ Gươm.

Thursday, 17 February 2011

Một người trung hoa tàn tật

Năm 2005 tôi có dịp đi du lịch Nam Ninh, Quảng Châu, Thâm Quyến (Trung quốc) kết hợp với dự hội chợ về thiết bị y tế. Chuyến đi để lại trong tôi ấn tượng, tuy còn rất sơ sài, về một nước TQ đang trên đà phát triển. Các thành phố Nam Ninh đã sầm uất gần như Hà Nội, Quảng Châu thì hiện đại hơn HN, còn Thâm Quyến thì khỏi nói - chẳng kém cạnh gì so với Budapest về nức độ hiện đại, tuy về khía cạnh cổ kính thì kém xa. Thật kỳ diệu khi được biết trước đó 27 năm Thâm Quyến vẫn còn là một làng chài nghèo bên cạnh Hongkong.

Người dân vùng Nam TQ (chủ yếu là người dân tộc Choang) trông vẻ ngoài và vóc dáng cũng không khác nhiều so với người VN mình. Ở họ luôn thấy toát lên sự miệt mài lao động và nhẫn nại, chịu đựng. Điều lạ là tại các điểm mà đoàn du lịch đến thì luôn có các nhân viên thạo tiếng Việt phục vụ. Tôi nghĩ có lẽ họ là những người Hoa từng sinh sống ở VN. Nhưng không hẳn vậy. Cậu phiên dịch cho đoàn chúng tôi cho biết anh ta đã bắt đầu học tiếng Việt ở Quảng Châu, sau đó chỉ sang học nâng cao tiếng Việt ở ĐH Quốc gia Hà Nội trong 2 năm. Tôi lại gặp một cô bé phiên dịch cho đoàn khác cũng vậy. Thì ra là ở tỉnh Quảng Đông họ rất có ý thức làm ăn buôn bán với VN, vì thế mà có một số người đã chọn học tiếng Việt như một nghề để kiếm sống. Đến đây tôi chợt thấy phân vân: VN mình có ông hàng xóm bất đắc dĩ TQ, chẳng tránh đi được, thế thì dân mình cũng phải có rất nhiều người giỏi tiếng TQ để có thể hiểu họ và làm ăn sòng phẳng được với họ. Hiểu họ để luôn cảnh giác, tránh được những ngón đòn thâm hiểm của họ.

Tại Quảng Châu, đoàn du lịch chúng tôi được đưa đến thăm khu công viên Thế giới thu nhỏ, nơi có mô hình thu nhỏ của các công trình kiến trúc điển hình khắp thế giới như tháp Effen có kích thước bắng 1/3 công trình thật. Sau khi ra khỏi công viên, dừng chân ăn cái kem cho đỡ khát, bất chợt tôi thấy 2 vợ chồng một người tàn tật. Anh chồng cũng chạc ngoài 50, cụt cả 2 chân ngồi trên xe đẩy. Chị vợ đẩy xe cho chồng. Trông họ rất nhẹ nhàng và nghiêm cẩn chứ không xin xấn xổ hay nì nèo khách qua đường. Thấy chạnh lòng tôi rút ít tiền lẻ (cũng chỉ độ 20 nghìn nếu qui ra tiền VN) và đi tới chỗ họ. Khi còn cách khoảng 2m trong tôi chợt vụt lên 1 ý nghĩ: Người đàn ông này trên 50, nghĩa là khi xảy ra cuộc chiến 1979 rất có thế anh ta từng là người lính sang đánh phá và tàn sát dân ta ở vùng biên giới. Tôi thoáng cảm thấy ghê tởm và căm thù. Rồi tôi tự chấn an: nhỡ mình nhầm thì sao. Vả lại nếu quả đúng là như thế thì anh ta cũng chỉ là nạn nhân của chính quyền Cheng Hao Ping và anh ta cũng đã phải trả giá bằng đôi chân của mình. Tình đồng loại lại thắng trong tôi. Tôi tiến tới gần, bằng cả 2 tay tôi cúi người đưa tiền cho người đàn ông tàn tật. Hai vợ chồng họ khiêm nhường chắp tay liên tục cảm ơn. Tôi chỉ nói khẽ: "Wê Nản", rồi nhanh chóng trở về chỗ các bạn cùng đoàn.


Wednesday, 12 January 2011

Lập nghiệp và làm giầu phải bắt đầu bằng lao động

Cách đây vài hôm, anh bạn thân thiết của tôi từ thời để chỏm gọi điện báo sự việc buồn: Thằng con trai 26 tuổi của anh bị dụ lao vào kinh doanh thua lỗ đã mắc nợ tới hơn 3 tỷ đồng, bị thúc nợ quá đã phải thú thật cầu cứu bố mẹ. Chẳng còn cách nào khác, vợ chồng anh đành phải quyết định bán đi ngôi nhà bé xíu, dựng trên mảnh đất có 30 m2 để trả nợ hộ con. Thế là công sức cả đời chăm chỉ, tằn tiện của hai vợ chồng đã bị ông con trai tiêu tan gần hết.

Hỏi kỹ thì biết câu chuyện kinh doanh của cậu con phá gia chi tử là thế này: Sau khi lấy vợ, có chút vốn cha mẹ 2 bên cho, cậu quyết định ngay lập tức trở thành ông chủ. Dù đã được lo cho chỗ làm tốt tại cơ quan nhà nước, nhưng cậu vẫn được "bạn bè" rủ rê góp vốn mở nhà hàng với oai danh là một "thành viên hội đồng quản trị". Cậu biết đâu với vốn kiến thức ít ỏi và kinh nghiệm thương trường gần như bằng 0, cậu chỉ là con mồi cho họ moi tiền mà không kiểm soát nổi. Khi cậu đã say "kinh doanh" thì lại được rủ rê lao vào một phi vụ buôn ô tô. Không có tiền ư ? Thì đây đã có người cho vay mà chẳng cần có tài sản thế chấp. Ngon như bánh vẽ. Cậu vay tiền hùn vốn đánh quả. Kết cục là tiền mất tiêu mà chẳng có hàng nào về. Đã vay là phải trả, bây giờ thì các chủ nợ quyết liệt thúc nợ, chậm trả ngày nào chịu lãi cắt cổ ngày ấy. Còn may là thằng bé đã không cùng đường tính quẩn mà về cầu cứu bố mẹ. Vợ chồng bạn tôi như chết đứng. Đứa con trai vồn hiền lành, ngoan ngoãn, nào ngờ lại gây ra thảm họa như thế cho gia đình.

Câu chuyện nêu trên để lại nhiều bài học cho các bạn trẻ muốn làm giầu nhanh chóng.

Thứ nhất là lập nghiệp mới là quan trọng, trước khi nghĩ đến làm giầu. Lập nghiệp là tìm được cho mình một chỗ đứng ổn định trên thương trường, lại có triển vọng sẽ ngày càng phát triển. Có một chỗ đứng vững chắc là cơ sở để có thể phát triển kinh doanh với đôi chút rủi ro, vì ít ra mình cũng đang làm ra tiền. Thêm nữa, có độc lập đứng được trên thương trường, dù là còn bé nhỏ, bạn cũng sẽ thu về được rất nhiều kinh nghiệm thực tế. Bạn cũng biết quý trọng đồng tiền hơn khi tự mình phải kiếm tiền trang trải cuộc sống và duy trì doanh nghiệp. Từ đó bạn sẽ biết tôn trọng hơn bạn hàng và khách hàng của mình. Khi đã có kiến thức và kinh nghiệm thương trường, việc kinh doanh dường như không quá khó nữa. Lúc đó kiến thức, kinh nghiệm và uy tín của bạn sẽ chuyển biến thành lợi nhuận.

Điểm thứ hai, đó là tư duy. Rõ ràng nếu có cái gì đó mang lại lợi nhuận 1 cách quá dễ dàng thì cần phải biết nghi ngờ. Bài học này không mới khi rất nhiều người bị lừa bởi những người huy động vốn với lãi suất cao. Lúc đầu những người đứng ra huy động làm ra vẻ rất thành đạt và trả lãi đúng hạn. Khi các con mồi đã say, đi vay thêm người khác để cho vay ngày càng nhiều nhằm đứng giữa hưởng chênh lệch. lúc đó chính là lúc đổ bể và mất trắng. Trường hợp nêu trong bài này chính là việc góp vốn dễ dãi, lại được chính những người rủ góp vốn bày cho cách vay vốn không cần thế chấp. Dấu hiệu lừa đảo thật rõ ràng khi trên đời chẳng ai cho một thanh niên mới lớn vay không thế chấp hàng tỷ đồng.

Điểm thứ thứ ba chính là quan điểm về làm giầu. Làm giầu không phải là đi cướp của thiên hạ. Làm giầu là bằng lao động, kiến thức và tài năng của mình để tạo ra một doanh nghiệp cung cấp hàng hóa, dịch vụ với chất lượng và giá cả cạnh tranh được trên thương trường để phục vụ xã hội. Lợi nhuận chính là xã hội trả công cho ta.

Điểm thứ tư là khi đã thua phải biết chấp nhận thua, rồi sẽ tĩnh tâm rút kinh nghiệp và làm lại từ đầu, chứ nếu say đòn, không biết điểm dừng thì sẽ thua rất đậm. Cũng may mà bạn tôi chỉ mới mất tiền chứ chưa mất con.