Saturday, 19 February 2011

Không được phép tạo ra một linh vật lai căng

.
Người VN, dù có tín ngưỡng hay không, thì ai cũng công nhận rằng Rùa Hồ Gươm là biểu tượng linh thiêng của quốc gia. Vì thế mà dân ta tôn kính gọi là Cụ Rùa. Cụ Rùa Hồ Gươm là biểu tượng của ý chí độc lập tự cường của dân tộc. Vua Lê được Trời ban gươm báu để đánh giặc còn có ý nghĩa là Trời phật luôn che chở dân tộc ta trong mọi lúc gian nguy. Khi Đất nước thái bình thì Trời đòi lại gươm báu, vì gươm giáo chỉ được phép dùng để chống giặc ngoại xâm, không bao giờ được phép dùng để đàn áp nhân dân. Câu chuyện đòi gươm báu vì thế mà mang ý nghĩa nhân văn cao cả.
Hàng trăm người dân vây quanh Hồ Gươm để chiêm ngưỡng Cụ Rùa
Những ngày này sức khỏe của Cụ không tốt làm cả nước lo lắng. Trong khi các nhà khoa học sốt sắng đưa ra các biện pháp chữa trị cho Cụ thì các quan chức lại lo sợ trách nhiệm mà lừng chừng chẳng dám quyết. Tội cho Cụ quá.
Cụ Rùa với vết thương đầy mình như muốn trèo lên bờ
Một trong những nghi phạm làm tổn thương Cụ Rùa chính là bè lũ rùa tai đỏ có nguồn gốc từ Nước Lạ mà một số người vô ý thức đã thả xuống Hồ Gươm. Giờ thấy Cụ tuổi già sức yếu thì một vài người lại nghĩ tới chuyện ghép đôi cho Cụ để rùa thiêng "người nối dõi" - một tình cảm rất Á đông. Nghĩ thế thì cũng phải, nhưng nếu tìm bạn đời cho Cụ thì chỉ nên nghĩ tới rùa Đồng Mô. Đừng bao giờ nên nghĩ tới ghép đôi với rùa Nước Lạ. Vì sao ư ? Vì Cụ Rùa Hồ Gươm là linh vật thiêng liêng đối với người VN chúng ta. Nếu cho ghép đôi và thả con lai của Cụ vào Hồ Gươm thì dân Việt ta sẽ cảm thấy xúc phạm lắm. Đó sẽ chỉ là một con rùa lai chứ chẳng bao giờ có thể là Rùa thiêng trong tâm linh của người Việt.

Một điều nữa là câu hỏi: Tại sao môi trường Hồ Gươm đã quá ô nhiễm bao nhiêu năm nay mà chính quyền thành phố vẫn không có biện pháp cải tạo ? Thứ nhất, như đã nói, là họ vô cảm và sợ trách nhiệm. Thứ hai là họ đặt ra quá nhiều mục tiêu. Trong khi muốn cải thiện môi trường nước Hồ Gươm thì lại muốn giữ nguyên vẹn cái màu xanh đặc trưng của nước hồ. Cái màu xanh ấy là do một số loại tảo tạo ra. Có khó khăn gì trong việc giữ lại khoảng 100 m3 nước hồ để nhân giống tảo có màu xanh ấy. Mà cái màu xanh ấy liệu có quan trọng bằng một hồ nước trong lành, xứng đáng là nơi gửi gắm hồn thiêng của dân tộc.

Cụ Rùa, cũng như mọi vĩ nhân khác, đã sinh ra thì rồi sẽ có ngày Cụ từ giã cõi trần để về giời. Cái quan trọng là phải chăm lo cho sức khỏe cụ lúc còn sống. Một mai nếu cụ từ biệt chúng ta, thì đã có Rùa Đồng Mô kế tục ngôi vị đặc biệt của Cụ. Mà Hồ Gươm, nếu sau này không còn Cụ Rùa, thì hình ảnh của Cụ cũng mãi mãi sống trong tâm linh người Việt, như hình ảnh của Thánh Gióng, Sơn Tinh, Lạc Long quân, Chử Đồng Tử ... Không bao giờ, không bao giờ chúng ta cần một con rùa lai ngự trị ở Hồ Gươm.

1 comment:

  1. Dân tộc nào cũng cần những huyền sử để làm chỗ dựa tinh thần.

    Người VN, dù có tín ngưỡng hay không, thì ai cũng công nhận rằng Rùa Hồ Gươm là biểu tượng linh thiêng của quốc gia. Vì thế mà dân ta tôn kính gọi là Cụ Rùa. Cụ Rùa Hồ Gươm là biểu tượng của ý chí độc lập tự cường của dân tộc. Vua Lê được Trời ban gươm báu để đánh giặc còn có ý nghĩa là Trời phật luôn che chở dân tộc ta trong mọi lúc gian nguy.

    Khi Đất nước thái bình thì Trời đòi lại gươm báu, vì gươm giáo chỉ được phép dùng để chống giặc ngoại xâm, không bao giờ được phép dùng để đàn áp nhân dân. Câu chuyện đòi gươm báu vì thế mà mang ý nghĩa nhân văn cao cả.

    ReplyDelete