Wednesday, 15 April 2015

Bún mắng cháo chửi - nét độc đáo trong văn hoá Hà Thành


Hôm trước đọc bài này: Sẽ đặt tên đường và đưa thơ Bút Tre vào trường học?

Tôi thấy thật khó tiếp thu "Đại biểu Cao Khắc Thùy, nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Vĩnh Phú cho rằng: Thơ Bút tre là một thể loại văn học... Để bảo tồn và phát huy dòng thơ Bút tre, cần coi trọng hoạt động sáng tác đồng thời với quảng bá thơ Bút tre, có thể xem xét đưa thơ Bút tre vào giảng dạy trong các nhà trường."

Kể ra nếu cụ Bút Tre có nhiều tác phẩm khác thể hiện cái tầm văn hoá của cụ thì đi một nhẽ, chứ nếu di sản của cụ chỉ có kiểu thơ này thì thật khó đánh giá.

VN ta bây giờ cái gì cũng muốn nâng tầm lên hàng di sản. Đã thế thì hứng lên tôi cũng muốn đề xuất Bún mắng cháo chửi là nét văn hoá độc đáo của người Hà Nội. Thì cứ múa bút cho vui, ai phạt mà sợ nhỉ.


BÚN MẮNG CHÁO CHỬI - NÉT ĐỘC ĐÁO TRONG VĂN HOÁ HÀ THÀNH




Phải nói rằng chửi là hành vi của toàn thể loài người. Ở VN ta thì việc chửi đã lên thành nghệ thuật, đi vào thơ ca nữa:

Lời chửi không mất tiền mua. 
Lựa lời  mà chửi cho chừa mặt nhau.
Đã chửi phải chửi thật đau.
Chửi mà hiền quá còn lâu nó chừa.
Chửi đúng không được chửi bừa.
Chửi cha mẹ nó không chừa một ai.
Khi chửi, chửi lớn mới oai.
Chửi hay là phải chửi dài, chửi lâu..."


Mà chửi cũng chưa chắc đã là biểu hiện của sự thù ghét, có cả chửi mát, chửi yêu nữa. Bà mẹ già thấy cô con gái lo lắng quá cho mình cũng chửi yêu: "Tổ cha nhà chị, chị cứ làm như chị đi vắng là tôi chết ngay không bằng.". Đôi khi chửi là phương tiện để giữ gìn lệ làng. Khi mất con gà, bà nông dân đứng chửi một lúc, thế là sáng hôm sau con gà từ đâu lại tự mò về. Chửi còn là vũ khí để giữ nước: Khi xung trận thì khỏi cần phải lịch sự, vừa chửi vừa oánh giặc mới hiệu quả.

Ngày xưa cụ Chí Phèo, nhờ biết réo chửi cả cái làng Vũ Đại mà cụ được đi vào văn học, trở thành biểu tượng cho người nông dân VN. Ngày nay, chính lớp trẻ bây giờ chỉ biết si mê thần tượng vớ vẩn, không biết chửi cho ra chửi nên chẳng làm gì nên chuyện.

Quay lại với chuyện bún mắng cháo chửi ở Thủ đô ta. Dân Hà Nội là tinh tế lắm. Nấu bát cháo, bát bún hay phở cũng phải có những bí quyết gia truyền. Còn thì anh cứ học đi, cứ làm đi, người ta chỉ coi là hàng chợ thôi. Ngay cách ăn cũng phải khác: làm cửa hàng tân thời, bàn ghế sáng choang, mùa hè máy lạnh mát rượi thì ăn nó mất đi cái thú tìm về cội nguồn dân dã. Bao nhiêu người cố cách tân phở Hà Nội, thay bằng những Phở 24, phở Vuông ... thì chỉ rộ lên được thời gian ngắn. Còn những "Phở Bằng Râu", "Bún Bà Nhão", "Cháo vỉa hè Hàng Than" ... thì hàng chục năm mọi người vẫn xếp hàng đợi ăn.

Cũng giống như ăn thịt chó thì phải ngồi chiếu, cùng lắm thì ngồi ghế bệt, chứ ai cần ngồi salon máy lạnh. Ăn phở, bún, cháo xịn của Hà Thành cũng vậy - phải chen chúc, phải ngồi thật chật, phải đợi mãi mới có chỗ thì mới đúng là xịn. Hoặc nữa thì phải ngồi vỉa hè, ngồi trong ngõ hẹp, vừa ăn vừa nghiêng người tránh xe máy xe đạp lách qua thì mới là sành điệu.

Mấy ông bà ở trong Nam mới qua thời "hoành tráng nhưng nghèo", bước sang thời "rủng rỉnh nhưng teo" ra thăm Hà Nội ít ngày, cưỡi ngựa xem hoa, không hiểu hết văn hoá ẩm thực của người Hà Nội nên cứ chê ỏng chê eo. Họ hãy thử nghĩ mà xem, họ ra Hà Nội vài ngày, được bạn bè mời đi ăn ở mấy quán phở rỏm, nước phở gì mà toàn vị mì chính, bột ngọt Miwon, rồi hả hê coi như đã thưởng thức phở Hà Nội rồi.

Sao họ không chịu khó nghĩ sâu xa hơn. Tại sao người Hà Nội ẩm thực tinh tế thế mà họ chịu khó chen chúc, nhẫn nại chờ đợi để được ăn phở trong mấy hàng quán chật chội. Ấy là vì họ tôn trọng nể nang những người đã gìn giữ bí quyết nấu ăn gia truyền quí giá. Những chủ quán chỉ lo nấu phở, cháo, bún sao cho ngon, cực ngon, khách được ăn vào là nhớ mãi, là tự hào về cái sự tinh tế trong nghệ thuật nấu ăn của dân tộc. Các chủ quán ấy không chạy theo marketting kiểu tân thời để câu khách, để tối đa hoá lợi nhuận, họ chỉ biết cha truyền con nối phục vụ, lấy công sức và nghề gia truyền để kiếm đủ sống, đủ để giữ nghề truyền cho con cháu.

Thường thì đứng đầu một nhà phở gia truyền là một bà cụ già. Già thì lẩm cẩm, chửi con chửi cháu, chửi nhân viên nhà hàng chứ mấy khi có chuyện họ chửi khách. Đối với khách thì chị con dâu trưởng vẫn đon đả bốc bát bánh đầy, thêm cho khách vài miếng thịt, ưu ái mấy đọt hành trắng, tươi ngọt. Khách ở đây toàn khách quen cả, chẳng ai chấp nhặt gì bà già đã cả đời vất vả nấu ăn cho họ. Cho nên họ cứ vui vẻ ngồi thưởng thức bát phở, kệ cụ chửi cho vui.

Cụ già thì cứ ngồi chửi con gái, con dâu nấu ăn chưa khéo bằng cụ hồi trẻ, chửi mấy đứa thanh niên phục vụ gì mà chậm chạp, vụng về. Khi quá lên cụ chửi cả mấy ông đàn ông gì mà suốt ngày lê la hàng quán, có bao nhiêu tiền cũng chỉ biết dấp vào rượu chè, không biết thương vợ thương con ...

Ngày trước tôi hay ăn phở ở một quán có bà cụ như thế. Bẵng đi một thời gian không thấy bà cụ đâu, tôi hỏi thăm thì biết cụ đã mất. Sau khi cụ mất, tôi vẫn đến ăn ở hàng ấy một thời gian nữa trước khi chuyển nhà đi nơi khác. Vắng cụ mình cứ thấy thiếu nhiếu một điều gì, thấy bát phở hình như hơi nhàn nhạt ...

Có lẽ Bún mắng cháo chửi cũng là một nét độc đáo trong văn hoá Hà Thành thật.