Tuesday, 22 May 2012

Văn hóa dân gian Thái - Mèo

Một ngày chủ nhật tôi cùng vợ đi thăm Công viên Thiên đường Bảo Sơn - Hà Nội. Tập đoàn này đầu tư 1 khu công viên với quá nhiều mục tiêu như thế giới đại dương, vườn thượng uyển, làng nghề ... nên chẳng để lại ấn tượng gì. Duy nhất có 1 điểm trong khu làng nghề làm cho tôi thấy bõ công lặn lội - Đó là khu trưng bày của nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Thái. Không phải các sản phẩm dệt thổ cẩm hấp dẫn tôi mà là đội văn nghệ của các dân tộc Thái - Mèo. Hôm ấy trong nhà sàn, tôi được xem các cô gái, chàng trai biểu diễn một số điệu múa của dân tộc họ.

Các cô gái Thái quả thật đẹp, đúng như lời đồn với làn da trắng muốt và dáng đi uyển chuyển. Âm nhạc nền chỉ sơ sài là chiếc casette nhỏ xíu, các vũ công hình như cũng chỉ là nghiệp dư, trang điểm đơn giản, thế mà sao xem họ múa lại thấy đẹp đến thế. Tôi có cảm tưởng như họ sinh ra chỉ là để múa hát. Tiếng nhạc như không xuất phát từ chiếc casette nhỏ kia mà như vang lên từ động tác múa tay, xòe quạt của các nàng tiên.



Điệu múa của các chàng trai cô gái H'mông chất phác hơn. Các động tác múa như mô phỏng, cách điệu từ cuộc sống lao động và sinh hoạt của họ: động tác cuốc đất, gieo hạt, động tác thổi khèn, uống rượu và say sưa. Tất cả được cách điệu thành các điệu múa rất đẹp, rất đáng yêu.


Lân la hỏi chuyện cô gái Thái, tôi rất ngạc nhiên khi biết con em dân tộc Thái cũng phải học chương trình phổ thông chung như tất cả các học sinh trong cả nước. Họ không được học tiếng Thái. Thế là ngôn ngữ của dân tộc Thái chỉ được dạy truyền miệng trong gia đình. Chợt tôi cảm thấy tiếc cho họ. Nước Việt Nam có 54 dân tộc anh em, phải làm sao giữ gìn và phát huy được tinh hoa văn hóa của tất cả các dân tộc ấy. Mà văn hóa thì gắn liền với ngôn ngữ. Ngôn ngữ mà không được ghi chép, truyền bá, kế thừa thì văn hóa làm sao phát triển được.

Nhớ ngày còn học phổ thông, trong sách giáo khoa có bài thơ rất hay:

EM LÀ CON GÁI CHÂU YÊN
( Cầm giang sưu tầm và dịch )

Rừng Châu Yên có nhiều cây khế,
Suối Châu Yên có lắm tai chua
Có nhiều cái mỏ thật to
Nhưng con gái Châu Yên không chua, không chát
Ngọt ngào như tiếng cười câu hát
Giỏi đánh cồng, ham xoè quạt,
Thích gội đầu lá xả, tóc như rêu,

Thích làm nương, đi xúc(1), dệt, thêu,
Ghét lắm những người đi làm giặc.

Suối Châu Yên chảy nhanh nhiều thác,
Nhiều đá ngầm, hang thẳm, vực sâu,
Nhưng bàn tay người con gái Yên Châu
Lại mềm hơn cành hóp, ngọn lau
Đồ xôi, nắm xôi thêm dẻo,
Nướng quả ớt, thấy mùi thơm đĩa cháo
Đụng vào khung cửi, vải thành hoa,
Tung nắm tấm thành ra đàn gà
Khua cái chày hoá ra gạo trắng,
Đụng vào cỏ thì cỏ chết nắng,
Vuốt lên lúa, lúa lại ra bông
Sáng vòng bạc, khéo cả ôm chồng.

Rừng Châu Yên có nhiều rắn, nhiều ong,
Có đười ươi, có nhiều con hổ
Có cả voi đàn, trăn gió, gấu đôi
Nhưng gái Châu Yên hiền như lá sồi
Lành như con chim, con rúi
Cha mắng sợ run không dám nói,
Em trai cãi cũng làm thinh
Chồng ra nương, lén lút ngoại tình
Cũng chỉ biết ôm chồng mà khóc;

Nhặt quả mơ, hái rau khó nhọc
Chị em nghèo muối san sẻ cùng nhau.
Gái Châu Yên ấm như bông vải, ngọt như canh rau.
Má thơm mùi quả nê, quả gạc
Miệng nên khướu khi hát
Chân nên công lúc xoè
Êm ái ru con ngủ đêm khuya
Thủ thỉ làm hiền khi chồng đang giận.

Nhưng khi thằng giặc đến giết người Thái trắng
Thì gái Châu Yên cũng giỏi bắn
Cũng làm nên cái bẫy, cái chông
Còn dữ hơn con gấu, con hùm
Cũng biết pha từng đùm thuốc độc.
Thương người Châu Yên thì khóc,
Lo việc cho chồng bận đánh nhau
Để thằng Tây kinh đất Yên Châu
Để thằng nguỵ sợ người con gái
Bọn thổ phỉ không dám qua lại

Yên Châu đúng là Châu Yên
Con gái Yên Châu vẫn đẹp vẫn hiền,
Vẫn mềm mại như bông lau, cành hóp....

No comments:

Post a Comment