Thursday 4 January 2018

Làm nghề kinh doanh thì chẳng mấy khi được thảnh thơi. Không có hàng bán thì lo nhập, nhập rồi lo bán, bán được hàng thì lo thu nợ, rồi lại lo không có hàng để bán.

Ps.: Vừa đầu tư làm cái kho lạnh chất đầy hàng, giờ lại ngồi lo không có tiền trả nợ đối tác :(


Friday 24 November 2017

Hóa chất xét nghiệm sinh hóa Diagnosticum

Công ty Thiết bị Vĩnh Thành là đại lý độc quyền phân phối hoá chất xét nghiệm sinh hoá của hãng DIANOSTICUM (Hungary). Với chất lượng tốt và giá bán hợp lý, cộng với chính sách hợp tác thiện chí, đến nay Công ty đã mở rộng mạng lưới đại lý với hơn 50 đối tác trên toàn quốc; và hoá chất mang nhãn hiệu Diagnosticum đã trở thành một trong những loại hoá chất xét nghiệm được sử dụng nhiều nhất trên thị trường Việt Nam.



CÔNG TY DIAGNOSTICUM – HUNGARY
BẢNG DANH MỤC HOÁ CHẤT XÉT NGHIỆM SINH HOÁ

Ghi chú: Hàng in đậm là các hóa chất thường dùng luôn có sẵn trong kho.

TT
Tên hoá chất
Code
Đóng gói
1
Albumin
211253
1x250 ml
2
Alkaline phosphatase 2nd gen.liquid
210223
1x120 ml
3
Alkaline phosphatase 2nd gen.liquid
210264
1x600 ml
4
Alpha amylase stable liquid
815863
1x120 ml
5
Bilirubin D
74274D
2x125 ml
6
Bilirubin T
74274T
2x125 ml
7
Bilirubin D+T
712743
2x125 ml
8
Calcium OCPC/AMP
215243
2x125 ml
9
Chloride
611643
2x125 ml
10
Cholesterol PAP monor stable liquid
117063
1x120 ml
11
Cholesterol PAP monor stable liquid
117064
1x600 ml
12
Creatine kinase MB (CK-MB)
812813
12x10 ml
13
Creatine kinase CK-NAC stable liquid
916963
1x120 ml
14
Creatinine
711753
2x250 ml
15
Creatinine enzymatic stable liquid
116163
1x120 ml
16
Gamma-GT stable liquid
217263
1x120 ml
17
Glucose GOD/PAP stable liquid
816863
1x120 ml
18
Glucose GOD/PAP stable liquid
816864
1x600 ml
19
GOT/AST stable liquid
216263
1x120 ml
20
GOT/AST stable liquid
216264
1x600 ml
21
GPT/ALT stable liquid
316363
1x120 ml
22
GPT/ALT stable liquid
316364
1x600 ml
23
HDL Cholesterol
411463
1x100 ml
24
HDL Cholesterol Two-components liquid
617663
1x45ml +1x15ml
25
LDH-L stable liquid
517563
1x100 ml
26
LDH-P stable liquid
416463
1x100 ml
27
LDL Cholesterol Two-components liquid
717763
1x45ml +1x15ml
28
Iron ferrozine
615633
120 ml
29
Iron TIBC
512533
1x50 ml
30
Magnesium
715753
1x250 ml
31
Inorganic Phosphorus
311343
2x125 ml
32
Total protein in serum (Biuret)
911953
1x250 ml
33
Triglycerides PAP Liquid single reagent
117163
1x120 ml
34
Triglycerides PAP Liquid single reagent
117164
1x600 ml
35
Urea U.V. stable liquid
616663
1x120 ml
36
Urea U.V. stable liquid
616664
1x500 ml
37
Uric acid stable liquid
716763
1x120 ml
38
Uric acid stable liquid
716764
1x600 ml

Sunday 15 October 2017

Những lưu ý khi sử dụng máy xét nghiệm sinh hóa

1. Khi bật, tắt máy:
- Khi mất điện cần phải tắt máy ngay, đến khi bắt đầu có điện nên để nguồn điện ổn định từ 3 tới 5 phút ta mới bật máy. Nên dùng ổn áp để có điện áp ổn định.
- Chú ý không bật máy luôn sau khi vừa tắt máy, vì dòng điện cảm ứng có thể gây hại cho các mạch điện tử. Sau ít nhất 30 giây để máy ổn định mới bật máy.

2. Khi làm xét nghiệm:
- Trước khi làm xét nghiệm nên bật máy và đợi từ 5 đến 10 phút cho máy ổn định rồi mới bắt đầu làm xét nghiệm.
- Hoá chất mới lấy ra khỏi tủ nên để 15 đến 20 phút ở nhiệt độ phòng.
- Đối với các xét nghiệm dùng phương pháp điểm cuối (ENDPOINT) nên ủ đủ thời gian và đúng nhiệt độ cho phép.
- Tránh lau đầu côn, đầu hút của máy và ống nghiệm bằng bông hay khăn bẩn. Vì như vậy sẽ dễ sót bông, dị vật có thể làm tắc trong buồng đo, dây bơm dẫn đến kết quả xét nghiệm không chính xác.

- Nếu máy có hiện tượng hút chậm, kết quả xét nghiệm không bình thường có thể do một số nguyên nhân sau:

+ Lấy mẫu bệnh phẩm đã đúng qui định hay chưa
+ Cách hút và pha hoá chất, bệnh phẩm chưa đúng

+ Cách bảo quản và sử dụng hoá chất chưa tốt
+ Đã có thay đổi về cài đặt hay buồng đo, dây bơm bị tắc hoặc do một số lý do khác

- Khi gặp trường hợp máy hút chậm thì phải hút, rửa bằng nước cất hoặc nước javen pha loãng 10 lần. Sau đó có thể dùng kim bướm luồn vào đầu bơm rồi dùng xilanh 10ml bơm mạnh nước cất vào để đẩy dị vật. Nếu hiện tượng hút chậm vẫn xảy ra thì gọi cho kỹ sư.


- Khi gặp trường hợp kết quả xét nghiệm không bình thường, ta nên làm lại xét nghiệm vài lần nếu kết quả vẫn không chính xác thì kiểm tra lại cách pha hoá chất và làm lại bằng hoá chất mới. Nếu hiện tượng trên vẫn xảy ra thì gọi cho kỹ sư.

- Để kết quả đo được chính xác, hàng tuần nên chuẩn lại các xét nghiệm theo đúng hướng dẫn sử dụng hoá chất.

3. Cách bảo quản máy:
- Trước khi tắt máy phải rửa nhiều bằng nước cất, đậy đầu bơm để tránh bị bụi bẩn rồi mới tắt công tắc nguồn.
- Nên đặt máy ở nơi khô thoáng, không bị ẩm, bụi bặm. Tốt nhất là có máy hút ẩm hoặc điều hoà.
- Hàng ngày dù không tiến hành làm xét nghiệm cũng nên bật máy 30 phút để tránh cho máy bị ẩm, mốc.

Friday 13 October 2017

CHA TÔI – CỤ VĨNH THÀNH

Nhân ngày của cha xin phép các bạn cho tôi được có vài dòng tưởng nhớ bố tôi. Cả cuộc đời cụ là lao động vất vả, hy sinh cho con cái với những mơ ước giản dị như bất cứ người VN nào khác.


CHA TÔI – CỤ VĨNH THÀNH

Cha tôi là người đàn ông VN bình thường trong muôn triệu người VN khác. Cha đã xa anh chị em tôi 16 năm rồi, nhưng mỗi khi nghĩ về người chúng tôi vẫn luôn ngập tràn tình cảm thương nhớ và tự hào.

Ông nội tôi xuất thân từ quê đất Thường Tín (Hà Tây cũ) với nghề thêu truyền thống, sau phiêu bạt rồi lập nghiệp ở Tp Hải Dương. Cha tôi cùng các em cũng kế tục nghề thêu ấy. Năm 25 tuổi, ông ra Hà Nội và làm thuê để học nghề sửa chữa đồng hồ trong 7 năm trời. Tích lũy được nghề nghiệp và chút vốn liếng ông thuê nhà mở cửa hàng và đưa cả gia đình ra Hà Nội. Rồi cha cưới mẹ tôi, hai vợ chồng cùng chăm lo cửa hàng mang tên Vĩnh Thành (tự làm việc, không thuê công nhân). Đó là một thời kỳ hạnh phúc và may mắn ngắn ngủi của gia đình tôi.

Trong cuộc cải tạo công thương nghiệp ở miền Bắc năm 1959, gia đình tôi được xếp vào diện tư sản. Danh hiệu hữu danh vô thực ấy làm khổ anh chị em tôi suốt thời gian đi học. Còn cha tôi lại trở thành người làm thuê cho Xí nghiệp bách hóa Hà Nội. Ông tiếp tục sửa chữa đồng hồ, ngày đi làm ở xí nghiệp, tối về cặm cụi làm thêm tại nhà để nuôi 6 anh chị em tôi. Bố tôi là thợ giỏi, tính lại cẩn thận nên được khách hàng tín nhiệm lắm.

Những năm tháng chiến tranh leo thang ra miền Bắc, cuộc sống tất cả các gia đình lại càng khó khăn. Bọn trẻ chúng tôi cũng làm thêm đủ thứ việc để phụ giúp kinh tế gia đình. Mẹ tôi chỉ lo việc nhà, nuôi con cũng quá vất vả. Bố tôi thì làm việc gần như 18 tiếng mỗi ngày để lo gia đình 8 miệng ăn. Bố luôn sẵn sàng hy sinh vì con cái, chỉ mong sao các con ăn học nên người.

Thuở bé, nhà nghèo bố tôi không được học lên cao, chỉ khoảng hết lớp 6 bây giờ. Nhưng cụ rất chịu khó đọc sách và học hỏi nên hiểu biết rộng, nhất là về văn học và lịch sử.

Ngày Tết bố tôi làm thơ căn dặn các con:

“Năm nay hơn hẳn mấy năm qua
Học tập chuyên cần giữ nết na
Hạnh kiểm chăm ngoan vui bụng mẹ
Văn bài xuất sắc đẹp lòng cha
Thầy trò nghĩa nặng hằng ghi nhớ
Bầu bạn tình thiêng phải thiết tha
Mai mốt trở nên người hữu dụng
Chung vai gánh vác nước non nhà.”

Tôi vẫn nhớ một kỷ niệm. Vào những năm 1966-1967, khi cuộc chiến tranh ác liệt nhất và đời sống người dân cũng nghèo khổ nhất. Cuộc sống gia đình tôi cũng ở đáy của nghèo khổ. Lúc ấy chị cả và anh thứ hai của tôi đang là học sinh cấp 3. Có 1 người bạn thấy bố tôi quá vất vả, đến khuyên ông cho 2 anh chị tôi thôi học để đi làm. Nhưng bố tôi trả lời dứt khoát: “Không, dù tôi có phải chết vì làm việc vất vả chứ dứt khoát không để các con tôi thất học”.

Thật may là anh chị em tôi đều là học sinh ngoan và học giỏi. Vì thế mà bố tôi hạnh phúc lắm. Tôi nhớ những buổi đêm ngồi học bài, nhìn bố tôi cặm cụi ngồi sửa đồng hồ, tôi không dám đi ngủ mà tự bảo mình phải học nhiều hơn nữa.

Sau khi tôi tốt nghiệp ĐH về nước là thời kỳ vô cùng khó khăn. Đã có lúc trong nhà tôi có tới 4 người thất nghiệp. Rồi anh em tôi cũng dần tự lập, ai nấy đều phải vật lộn với cuộc sống nên ít giúp đỡ được cha mẹ, ngoài một chút quà cáp. Đến năm 1993, khi nền kinh tế VN bắt đầu dễ thở một chút thì bố tôi rời bỏ chúng tôi về nơi vĩnh hằng, sau 1 cuộc đời lao động vô cùng vất vả.

Khi bố tôi mất, trong số những người đến tiễn đưa cụ có những câu chuyện làm tôi cảm động. Một ông ngày xưa có thời kỳ ngắn theo bố tôi học nghề sửa chữa đồng hồ. Nhưng ông không theo nghề này mà lại trở thành một võ sư có tiếng ở Hà Nội. Mấy chục năm Tết nào ông cũng đến chúc Tết thầy. Khi cụ mất, ông bảo với tôi: "Anh luôn tôn cụ là thầy không phải vì chuyện học nghề đồng hồ, mà vì đối với anh, cụ là thầy về cách sống vô cùng nhân hậu, tình nghĩa".

Một ông bạn vong niên khác thì đến khóc với bức trướng viếng ghi dòng chữ: “Rất mực thủy chung, vô cùng nhân hậu”.

Mỗi lần về quê, đứng trước mộ bố, tôi thấy mình quá bé nhỏ, chỉ thầm ước sau này, khi đã hoàn thành nghĩa vụ cuộc đời được hóa thân thành nắm tro về rắc dưới chân mộ bố.

Khi đất nước bắt đầu thực hiện đường lối đổi mới về kinh tế. Anh chị em tôi thường bảo nhau: Sau này anh em mình nếu có ai lập được công ty thì đặt tên là Công ty Vĩnh Thành. May mắn cho tôi là cuối cùng tôi cũng thực hiện được điều đó. Giờ đây nhiều khách hàng cũng gọi tôi là ông Vĩnh Thành. Điều đó làm tôi hạnh phúc vì thấy như mình đang sống tiếp cuộc đời của bố.

Bình Đỗ, ngày 21 tháng 6 năm 2009.

Thursday 12 October 2017

MÙA THU HÀ NỘI TRONG THƠ TRÚC VÀNG


Hà Nội mùa thu thật quyến rũ. Ai đã từng sống ở Hà Nội, khi đi xa cũng quay quắt nhớ về mùa thu nơi đây. Mùa thu Hà nội không chỉ là trời trong vắt, không khí mát lành, vườn cây lá đổ ... Mùa thu Hà Nội có cái nét không đâu có được mà chỉ có những người yêu say đắm Hà Nội mới có thể cảm nhận.
Với Trúc Vàng - nhà thơ của những bài thơ tình đằm thắm, bao dung, đượm nỗi buồn của một trí thức từng trải – thì mùa thu càng da diết trong thơ chị. Dù đang sống xa, nhưng mùa thu Hà Nội vẫn luôn thường trực trong tâm hồn, theo mỗi bước chân, đi đâu nhà thơ cũng nhớ về nơi mình đã từng sống với bao kỷ niệm vui buồn:
“Ta bước đi
trong nỗi nhớ thu xa
Nhớ ngôi nhà xưa bên khu vườn nhỏ
Con phố dài mùa này thu lá đổ
Xào xạc rơi
trên lối nhỏ vơi đầy”
(Trúc Vàng – Nỗi nhớ thu sang)
Hà Nội đấy, nơi có rất nhiều đường phố, ngõ nhỏ có lá vàng rơi mỗi độ thu về. Những cái tên đường Nguyễn Du, Quang Trung, Phan Đình Phùng, Hoàng Diệu, Trần Phú, Điện Biên Phủ ... là cả thế giới tuổi thơ của chúng tôi, nhất là phố Phan Đình Phùng với 3 hàng cây cổ thụ đan tán lá. Ngày học phổ thông tôi vẫn hàng ngày đi bộ dọc phố đến trường, dọc phố có nhiều cây sấu cổ thụ, mùa thu về những chiếc là vàng nhỏ rải đầy mặt phố như tấm thảm vàng. Tiết thu mát nhẹ, cái nắng nóng mùa hè đã lùi xa, đi trên phố vào mùa thu ai cũng thấy lòng nhẹ nhàng, gợi nhớ về những kỷ niệm với chút buồn vu vơ:

Friday 12 May 2017

Máy xét nghiệm sinh hoá 3000 Evolution

Sau thành công vang dội trên thị trường với sản phẩm máy xét nghiệm sinh hóa SCREEN MASTER 3000 Hãng Biochemical (Italy) tiếp tục cải tiến và đưa ra dòng máy 3000 EVOLUTION.

Máy của Hãng được người tiêu dùng Việt Nam tín nhiệm vì độ chuẩn xác, độ bền cao và giá cả hợp lý. Hiện tại đây là dòng máy chiếm lĩnh phần lớn thi trường máy bán tự động tại Việt Nam.


TÍNH NĂNG VƯỢT TRỘI

  • Máy xét nghiệm sinh hoá 3000 Evolution được trang bị màn hình đồ hoạ tinh thể lỏng kích thước lớn. Hiển thị các menu và đồ thị, tạo khả năng thân thiện hơn và dễ sử dụng hơn cho người sử dụng.
  • Máy được trang bị 7 kính lọc: 304, 405, 492, 505, 546, 578, 630 nm.
  • Lưu trữ được 120 chương trình xét nghiệm khác nhau, đặc biệt thuận lợi kích hoạt từ bàn phím.
  • Lưu trữ 400 kết quả xét nghiệm đã làm, có thể gọi lại theo mã số, ngày tháng, hay thứ tự xét nghiệm
  • Đặc biệt với sự hỗ trợ trực tiếp từ bàn phím(lựa chọn thêm), người sử dụng có thể đưa tên bênh nhân vào máy, phục vụ cho việc in ấn, quản lý số liệu, và gọi lại tên bệnh nhân.
  • Tên xét nghiệm, mã số có thể lựa chọn hiển thị trước khi làm xét nghiệm giúp cho kỹ thuật viên không phải nhớ các thông số, mã số.
  • Việc tính toán tự động và hiển thị các thông số kỹ thuật trên màn hình và đưa ra máy in theo các hệ thống đơn vị quốc tế do người sử dụng lựa chọn
  • Hiển thị điểm theo thời gian thực trong các xét nghiệm Kinetic và Fixed time.
  • Hiển thị nhiệt độ theo thời gian thực
  • Kết nối với máy tính để nâng cấp phần mềm và truyền số liệu.
  • Chi phí vận hành thấp: tiết kiệm điện năng, nhớ được ống trắng, dung lượng mẫu xét nghiệm nhỏ.

CÁC THÔNG SỐ KỸ THUẬT
  • Các phương pháp đo: Absorbance, End-point,Kinetic, Fix-time, Multi-standard và Differential.
  • Lưu lượng chuẩn buồng đọc: 18 µl
  • Lưu lượng mẫu thông thường: 500 µl
  • Lưu lượng mẫu tối thiểu: 350 µl
  • Mức độ lan mẫu: dưới 1%
  • Hút mẫu bằng bơm nhu động với dung lượng lập trình được.
  • Dải quang phổ: 320 – 690 nm
  • 7 kính lọc: 340, 405, 492, 505, 546, 578, 630 nm, và 1 vị trí chờ.
  • Phép đo: Monochromatic, Bichomatic v
  • Nhớ được ống trắng: Có
  • Giải đo: Từ -0.200 tới + 2.500 đơn vị OD.
  • Độ chính xác quang học : ±1% trong khoảng từ 0 tới 2.500 đơn vị OD
  • Độ tuuến tính quang học: ±1% trong khoảng từ 0 tới 2.500 đơn vị OD
  • Độ lặp lại: CV dưới 1%
  • Lưu trữ kết quả xét nghiệm trong máy: 400 test.
  • Mã số bệnh nhân: lựa chọn được.
  • Phân tích kết quả: 30 kết quả cuối cùng với biểu đồ Levey-Jennings
  • Màn hình tinh thể lỏng: Độ phân giải 240 x 128 pixel.
  • Ngôn ngữ: Tiếng Anh, Italy và hai ngôn ngữ khác tuỳ chọn.
  • Bàn phím: 8 phim đa chức năng và kết nối được với bàn phím ngoài qua cổng PS2.
  • Buồng ủ nhiệt: 10 vị trí; ± 0.2ºC
  • Nhiệt độ buồng ủ: Lựa chọn được từ 20ºC - 40ºC
  • Cuvette: vuông
  • Máy in: Máy in đồ thị 24 cột.
  • Cổng giao tiếp ngoài: RS 232
  • Nguồn điện: Tự động cảm nhận ( 80 – 260 V )
  • Kích thước máy: 35 x 34 x 24 cm.
  • Trọng lượng: 11 Kg

Monday 10 October 2016

Tính cách đáng trân trọng của người Việt qua văn hoá giao thông

Giao thông ở 2 thành phố lớn nhất VN là HCM và HN hiện nay thật kinh khủng. Ùn tắc, khói bụi, nhốn nháo, chen lấn, vô luật, cũng với nạn mãi lộ của CSGT là những điểm đặc trưng. Người VN ta quen rồi, ai cũng thấy sợ, nhưng ai có 1 ngày nghỉ không phi xe máy ra đường thì cũng thấy nhơ nhớ, chồn chân.

Dân tây đến VN cũng nhiều người khiếp vía, họ ví giao thông ở Hà Nội như trò chơi mạo hiểm. Tuy vây, cũng có một số người có con mắt nhìn đời tích cực lại nhìn ra những cái hay, cái đáng trân trọng trong văn hoá giao thông của người Việt.
Tôi đọc trên internet thấy có nhà báo phương tây viết: Người Viêt thật là uyển chuyển, họ thích nghi rất nhanh với cuộc sống. Giao thông ở HN như một dòng chảy, người dân ở đây điều khiển xe máy như những nghệ sĩ, họ nhẹ nhàng tránh ô tô, người đi bộ một cách diệu nghệ. Chỉ cần bạn bình tĩnh, từ tốn qua đường, sẽ không ai va phải bạn ...
Cách đây ít năm tôi có dịp đón tiếp 2 vợ chồng đứa bạn người Hung cùng con cái sang VN du lịch (cả 2 đều là bạn học cùng khoá hồi đại học). Mấy ngày liền tôi lái xe chở bạn đi khắp Hà Nội. Họ chứng kiến rất nhiều lần xe cộ san sát, xe máy tạt đầu ô tô, xe ô tô tranh lấn nhau đường đi ...

Ngày cuối tôi hỏi các bạn thấy giao thông ở Hà Nội có đáng sợ không, thì được nghe họ trả lời: "Không thấy sợ, vui mà. Bọn tôi thấy người Việt Nam rất đáng yêu. Giao thông chen chúc như thế nhưng ai nấy mặt mũi vui vẻ. Ở bên Hung mà có ai đi sai đường là những người khác chửi, văng tục, còn ở đây bọn tôi chứng kiến xe cộ chen nhau đi, nhưng rồi ai không chen được thì họ mỉm cười thông cảm."

Nghe bạn nói thế tôi cũng thấy vui vui, nhưng rồi chợt chạnh lòng nghĩ: Ở Việt Nam mình mọi người đã quá quen với những điều sai rồi, những cái sai, phạm luật cứ đầy dẫy hàng ngày, trong mọi lĩnh vực, nên chẳng ai còn bận tâm, bực mình với những điều sai trái nữa.

Mỉm cười cho qua đi ! Thế mới hiểu vì sao người VN cứ hay cười.




Wednesday 15 April 2015

Bún mắng cháo chửi - nét độc đáo trong văn hoá Hà Thành


Hôm trước đọc bài này: Sẽ đặt tên đường và đưa thơ Bút Tre vào trường học?

Tôi thấy thật khó tiếp thu "Đại biểu Cao Khắc Thùy, nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Vĩnh Phú cho rằng: Thơ Bút tre là một thể loại văn học... Để bảo tồn và phát huy dòng thơ Bút tre, cần coi trọng hoạt động sáng tác đồng thời với quảng bá thơ Bút tre, có thể xem xét đưa thơ Bút tre vào giảng dạy trong các nhà trường."

Kể ra nếu cụ Bút Tre có nhiều tác phẩm khác thể hiện cái tầm văn hoá của cụ thì đi một nhẽ, chứ nếu di sản của cụ chỉ có kiểu thơ này thì thật khó đánh giá.

VN ta bây giờ cái gì cũng muốn nâng tầm lên hàng di sản. Đã thế thì hứng lên tôi cũng muốn đề xuất Bún mắng cháo chửi là nét văn hoá độc đáo của người Hà Nội. Thì cứ múa bút cho vui, ai phạt mà sợ nhỉ.


BÚN MẮNG CHÁO CHỬI - NÉT ĐỘC ĐÁO TRONG VĂN HOÁ HÀ THÀNH




Phải nói rằng chửi là hành vi của toàn thể loài người. Ở VN ta thì việc chửi đã lên thành nghệ thuật, đi vào thơ ca nữa:

Lời chửi không mất tiền mua. 
Lựa lời  mà chửi cho chừa mặt nhau.
Đã chửi phải chửi thật đau.
Chửi mà hiền quá còn lâu nó chừa.
Chửi đúng không được chửi bừa.
Chửi cha mẹ nó không chừa một ai.
Khi chửi, chửi lớn mới oai.
Chửi hay là phải chửi dài, chửi lâu..."


Mà chửi cũng chưa chắc đã là biểu hiện của sự thù ghét, có cả chửi mát, chửi yêu nữa. Bà mẹ già thấy cô con gái lo lắng quá cho mình cũng chửi yêu: "Tổ cha nhà chị, chị cứ làm như chị đi vắng là tôi chết ngay không bằng.". Đôi khi chửi là phương tiện để giữ gìn lệ làng. Khi mất con gà, bà nông dân đứng chửi một lúc, thế là sáng hôm sau con gà từ đâu lại tự mò về. Chửi còn là vũ khí để giữ nước: Khi xung trận thì khỏi cần phải lịch sự, vừa chửi vừa oánh giặc mới hiệu quả.

Ngày xưa cụ Chí Phèo, nhờ biết réo chửi cả cái làng Vũ Đại mà cụ được đi vào văn học, trở thành biểu tượng cho người nông dân VN. Ngày nay, chính lớp trẻ bây giờ chỉ biết si mê thần tượng vớ vẩn, không biết chửi cho ra chửi nên chẳng làm gì nên chuyện.

Quay lại với chuyện bún mắng cháo chửi ở Thủ đô ta. Dân Hà Nội là tinh tế lắm. Nấu bát cháo, bát bún hay phở cũng phải có những bí quyết gia truyền. Còn thì anh cứ học đi, cứ làm đi, người ta chỉ coi là hàng chợ thôi. Ngay cách ăn cũng phải khác: làm cửa hàng tân thời, bàn ghế sáng choang, mùa hè máy lạnh mát rượi thì ăn nó mất đi cái thú tìm về cội nguồn dân dã. Bao nhiêu người cố cách tân phở Hà Nội, thay bằng những Phở 24, phở Vuông ... thì chỉ rộ lên được thời gian ngắn. Còn những "Phở Bằng Râu", "Bún Bà Nhão", "Cháo vỉa hè Hàng Than" ... thì hàng chục năm mọi người vẫn xếp hàng đợi ăn.

Cũng giống như ăn thịt chó thì phải ngồi chiếu, cùng lắm thì ngồi ghế bệt, chứ ai cần ngồi salon máy lạnh. Ăn phở, bún, cháo xịn của Hà Thành cũng vậy - phải chen chúc, phải ngồi thật chật, phải đợi mãi mới có chỗ thì mới đúng là xịn. Hoặc nữa thì phải ngồi vỉa hè, ngồi trong ngõ hẹp, vừa ăn vừa nghiêng người tránh xe máy xe đạp lách qua thì mới là sành điệu.

Mấy ông bà ở trong Nam mới qua thời "hoành tráng nhưng nghèo", bước sang thời "rủng rỉnh nhưng teo" ra thăm Hà Nội ít ngày, cưỡi ngựa xem hoa, không hiểu hết văn hoá ẩm thực của người Hà Nội nên cứ chê ỏng chê eo. Họ hãy thử nghĩ mà xem, họ ra Hà Nội vài ngày, được bạn bè mời đi ăn ở mấy quán phở rỏm, nước phở gì mà toàn vị mì chính, bột ngọt Miwon, rồi hả hê coi như đã thưởng thức phở Hà Nội rồi.

Sao họ không chịu khó nghĩ sâu xa hơn. Tại sao người Hà Nội ẩm thực tinh tế thế mà họ chịu khó chen chúc, nhẫn nại chờ đợi để được ăn phở trong mấy hàng quán chật chội. Ấy là vì họ tôn trọng nể nang những người đã gìn giữ bí quyết nấu ăn gia truyền quí giá. Những chủ quán chỉ lo nấu phở, cháo, bún sao cho ngon, cực ngon, khách được ăn vào là nhớ mãi, là tự hào về cái sự tinh tế trong nghệ thuật nấu ăn của dân tộc. Các chủ quán ấy không chạy theo marketting kiểu tân thời để câu khách, để tối đa hoá lợi nhuận, họ chỉ biết cha truyền con nối phục vụ, lấy công sức và nghề gia truyền để kiếm đủ sống, đủ để giữ nghề truyền cho con cháu.

Thường thì đứng đầu một nhà phở gia truyền là một bà cụ già. Già thì lẩm cẩm, chửi con chửi cháu, chửi nhân viên nhà hàng chứ mấy khi có chuyện họ chửi khách. Đối với khách thì chị con dâu trưởng vẫn đon đả bốc bát bánh đầy, thêm cho khách vài miếng thịt, ưu ái mấy đọt hành trắng, tươi ngọt. Khách ở đây toàn khách quen cả, chẳng ai chấp nhặt gì bà già đã cả đời vất vả nấu ăn cho họ. Cho nên họ cứ vui vẻ ngồi thưởng thức bát phở, kệ cụ chửi cho vui.

Cụ già thì cứ ngồi chửi con gái, con dâu nấu ăn chưa khéo bằng cụ hồi trẻ, chửi mấy đứa thanh niên phục vụ gì mà chậm chạp, vụng về. Khi quá lên cụ chửi cả mấy ông đàn ông gì mà suốt ngày lê la hàng quán, có bao nhiêu tiền cũng chỉ biết dấp vào rượu chè, không biết thương vợ thương con ...

Ngày trước tôi hay ăn phở ở một quán có bà cụ như thế. Bẵng đi một thời gian không thấy bà cụ đâu, tôi hỏi thăm thì biết cụ đã mất. Sau khi cụ mất, tôi vẫn đến ăn ở hàng ấy một thời gian nữa trước khi chuyển nhà đi nơi khác. Vắng cụ mình cứ thấy thiếu nhiếu một điều gì, thấy bát phở hình như hơi nhàn nhạt ...

Có lẽ Bún mắng cháo chửi cũng là một nét độc đáo trong văn hoá Hà Thành thật.

Wednesday 14 May 2014

Liệu có nên lên án quá gay gắt những người công nhân Bình Dương ???


Sự việc hàng chục ngàn công nhân các nhà máy ở Bình Dương tự phát nghỉ làm đi biểu tình phản đối Trung Quốc đưa giàn khoan vào cắm ở vùng thềm lục địa đặc quyền kinh tế của Việt Nam, trong đó một số người quá khích (có thể do bồng bột, quá tức giận, có thể do một số người hung hăng, kích động ...) làm dấy lên làn sóng phê phán của nhiều người. Có những người khi lên án cũng phẫn nộ, dùng những từ ngữ rất miệt thị đối với hành động này. Bản thân tôi cũng không tán thành việc đập phá, nhưng cũng thấy cần phải chừng mực khi lên án họ.

Liên hệ với chuyện này tôi nhớ tới những ngày tháng 2 năm 1979, khi ấy nhà cầm quyền Bắc Kinh bất ngờ tấn công nước ta trên toàn tuyến biên giới phía bắc, tàn sát dã man nhân dân ta, anh em sinh viên VN chúng tôi đang học tập tại Hungary cực kỳ phẫn uất. Không cần xin phép chính quyền Hungary (vì chúng tôi luôn tin Chính phủ Hungary là bạn của VN ta), không cần đợi Sứ quán VN chỉ đạo, chúng tôi tự rủ nhau đi biểu tình trước ĐSQ Trung Quốc. Cuộc biểu tình ấy chẳng có truyền đơn, pano hoành tráng, chỉ có vài khẩu hiệu viết vội bằng tiếng Hung, nhiều bạn bè người Hung và quốc tế ủng hộ, chúng tôi sục sôi phẫn nộ hét to các khẩu hiệu đòi Trung Quốc không được đụng đến VN. Các bạn Hung cũng nhiệt tình hô khẩu hiệu "El a kezekkel Vietnámtól".

Lúc đầu bọn nhân viên ĐSQ Trung Quốc nhâng nháo thò mặt ra quan sát, rồi vác máy ảnh ra chụp những người biểu tình. ĐSQ một nước khác ở bên cạnh thì biểu lộ sự ủng hộ bằng cách vặn to bài hát "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng". Điệp khúc "Việt Nam - Hồ Chí Minh" lặp đi lặp lại khích lệ chúng tôi rất nhiều. ĐSQ Việt Nam ngay cạnh đó thì im lặng, cán bộ ĐSQ Việt Nam thì sục sạo doạ nạt "Ai cho phép các cậu tự động đi biểu tình".

Trời càng về tối thì lòng phẫn nộ càng dâng trào. Lợi dụng bóng tối có thể qua mắt công an Hung, nhiều bạn sinh viên bắt đầu ném gạch vỡ các cửa kính toà nhà ĐSQ Trung Quốc. Bọn nhân viên SQ tàu thụt mặt vào hết, anh chị em sinh viên VN hả dạ lắm. Công an Hung chỉ dàn hàng ngang bảo vệ cổng chính toà nhà ĐSQTQ, không ai ngăn cản, doạ nạt, bắt bớ người biểu tình, cũng không ai hạch sách về giấy phép biểu tình cả. Sau đó cũng không hề có chuyện truy cứu trách nhiệm.

Sau hôm đó, tôi nghĩ chắc nhà nước Hungary phải bỏ tiền ra đền bù cho ĐSQTQ những thiệt hại cuộc biểu tình gây ra. Nghĩ về những hành vi bồng bột của SV Việt Nam mình, tôi càng thấy biết ơn cách cư xử độ lượng, ngầm ủng hộ của chính quyền Hungary.

Ngày nay cộng đồng người Việt sống ở Hungary đang chuẩn bị cho cuộc biểu tình phản đối TQ vào ngày Chủ Nhật 18-5-2014. Cách chuẩn bị của họ rất văn minh và phù hợp pháp luật Hungary: xin giấy phép, chuẩn bị về mục đích, phương pháp, khẩu hiệu, tờ rơi, cách thức tiếp cận các đối tượng người Hung và ngoại quốc quan tâm tìm hiểu ...

Nghĩ lại về những người công nhân Bình Dương, trước tiên tôi cảm phục họ, những người rất nghèo, đã tự động bỏ buổi làm việc (đồng nghĩa với việc mất lương, bị chủ phạt tiền) để đi biểu tình biểu lộ lòng yêu nước và sự phẫn uất trước hành động lấn chiếm của nhà cầm quyền TQ. Trước tiên phải mừng vì thế hệ thanh niên không thờ ơ với vận mệnh của Tổ Quốc. Nhìn từ khía cạnh khác, họ là những người nghèo khổ, ít được học hành, thiếu thông tin thời cuộc nên có một số người bồng bột, thiếu kiềm chế, nhầm lẫn về mục tiêu đấu tranh. Cũng không nên quên rằng cuộc sống lao động của nhiều người công nhân vô cùng tủi nhục, họ phải lao động quá vất vả, không có ai bảo vệ các quyền chính đáng; họ kiếm miếng ăn trong sự khinh miệt, trong tiếng chửi rủa và lắm khi cả đòn roi của giới chủ các nhà máy TQ, Đài Loan ...

Sao chúng ta không cư xử như chính quyền Budapest đã cư xử với chúng ta: Hãy nhắc nhở, giáo dục, kiềm chế những người bồng bột, quá khích. Hãy tuyên truyền về mục tiêu, phương pháp biểu tình văn minh. Nhà nước hãy đứng ra bảo vệ, đền bù thiệt hại cho những nhà máy đã bị công nhân trót đập phá. Nhưng từ trong sâu thẳm, chúng ta hãy biết ơn khối khổng lồ những người công nhân ấy. Không có những người nhiệt huyết, đất nước không có sức mạnh trước kẻ thù.