Sunday 15 October 2017

Những lưu ý khi sử dụng máy xét nghiệm sinh hóa

1. Khi bật, tắt máy:
- Khi mất điện cần phải tắt máy ngay, đến khi bắt đầu có điện nên để nguồn điện ổn định từ 3 tới 5 phút ta mới bật máy. Nên dùng ổn áp để có điện áp ổn định.
- Chú ý không bật máy luôn sau khi vừa tắt máy, vì dòng điện cảm ứng có thể gây hại cho các mạch điện tử. Sau ít nhất 30 giây để máy ổn định mới bật máy.

2. Khi làm xét nghiệm:
- Trước khi làm xét nghiệm nên bật máy và đợi từ 5 đến 10 phút cho máy ổn định rồi mới bắt đầu làm xét nghiệm.
- Hoá chất mới lấy ra khỏi tủ nên để 15 đến 20 phút ở nhiệt độ phòng.
- Đối với các xét nghiệm dùng phương pháp điểm cuối (ENDPOINT) nên ủ đủ thời gian và đúng nhiệt độ cho phép.
- Tránh lau đầu côn, đầu hút của máy và ống nghiệm bằng bông hay khăn bẩn. Vì như vậy sẽ dễ sót bông, dị vật có thể làm tắc trong buồng đo, dây bơm dẫn đến kết quả xét nghiệm không chính xác.

- Nếu máy có hiện tượng hút chậm, kết quả xét nghiệm không bình thường có thể do một số nguyên nhân sau:

+ Lấy mẫu bệnh phẩm đã đúng qui định hay chưa
+ Cách hút và pha hoá chất, bệnh phẩm chưa đúng

+ Cách bảo quản và sử dụng hoá chất chưa tốt
+ Đã có thay đổi về cài đặt hay buồng đo, dây bơm bị tắc hoặc do một số lý do khác

- Khi gặp trường hợp máy hút chậm thì phải hút, rửa bằng nước cất hoặc nước javen pha loãng 10 lần. Sau đó có thể dùng kim bướm luồn vào đầu bơm rồi dùng xilanh 10ml bơm mạnh nước cất vào để đẩy dị vật. Nếu hiện tượng hút chậm vẫn xảy ra thì gọi cho kỹ sư.


- Khi gặp trường hợp kết quả xét nghiệm không bình thường, ta nên làm lại xét nghiệm vài lần nếu kết quả vẫn không chính xác thì kiểm tra lại cách pha hoá chất và làm lại bằng hoá chất mới. Nếu hiện tượng trên vẫn xảy ra thì gọi cho kỹ sư.

- Để kết quả đo được chính xác, hàng tuần nên chuẩn lại các xét nghiệm theo đúng hướng dẫn sử dụng hoá chất.

3. Cách bảo quản máy:
- Trước khi tắt máy phải rửa nhiều bằng nước cất, đậy đầu bơm để tránh bị bụi bẩn rồi mới tắt công tắc nguồn.
- Nên đặt máy ở nơi khô thoáng, không bị ẩm, bụi bặm. Tốt nhất là có máy hút ẩm hoặc điều hoà.
- Hàng ngày dù không tiến hành làm xét nghiệm cũng nên bật máy 30 phút để tránh cho máy bị ẩm, mốc.

Friday 13 October 2017

CHA TÔI – CỤ VĨNH THÀNH

Nhân ngày của cha xin phép các bạn cho tôi được có vài dòng tưởng nhớ bố tôi. Cả cuộc đời cụ là lao động vất vả, hy sinh cho con cái với những mơ ước giản dị như bất cứ người VN nào khác.


CHA TÔI – CỤ VĨNH THÀNH

Cha tôi là người đàn ông VN bình thường trong muôn triệu người VN khác. Cha đã xa anh chị em tôi 16 năm rồi, nhưng mỗi khi nghĩ về người chúng tôi vẫn luôn ngập tràn tình cảm thương nhớ và tự hào.

Ông nội tôi xuất thân từ quê đất Thường Tín (Hà Tây cũ) với nghề thêu truyền thống, sau phiêu bạt rồi lập nghiệp ở Tp Hải Dương. Cha tôi cùng các em cũng kế tục nghề thêu ấy. Năm 25 tuổi, ông ra Hà Nội và làm thuê để học nghề sửa chữa đồng hồ trong 7 năm trời. Tích lũy được nghề nghiệp và chút vốn liếng ông thuê nhà mở cửa hàng và đưa cả gia đình ra Hà Nội. Rồi cha cưới mẹ tôi, hai vợ chồng cùng chăm lo cửa hàng mang tên Vĩnh Thành (tự làm việc, không thuê công nhân). Đó là một thời kỳ hạnh phúc và may mắn ngắn ngủi của gia đình tôi.

Trong cuộc cải tạo công thương nghiệp ở miền Bắc năm 1959, gia đình tôi được xếp vào diện tư sản. Danh hiệu hữu danh vô thực ấy làm khổ anh chị em tôi suốt thời gian đi học. Còn cha tôi lại trở thành người làm thuê cho Xí nghiệp bách hóa Hà Nội. Ông tiếp tục sửa chữa đồng hồ, ngày đi làm ở xí nghiệp, tối về cặm cụi làm thêm tại nhà để nuôi 6 anh chị em tôi. Bố tôi là thợ giỏi, tính lại cẩn thận nên được khách hàng tín nhiệm lắm.

Những năm tháng chiến tranh leo thang ra miền Bắc, cuộc sống tất cả các gia đình lại càng khó khăn. Bọn trẻ chúng tôi cũng làm thêm đủ thứ việc để phụ giúp kinh tế gia đình. Mẹ tôi chỉ lo việc nhà, nuôi con cũng quá vất vả. Bố tôi thì làm việc gần như 18 tiếng mỗi ngày để lo gia đình 8 miệng ăn. Bố luôn sẵn sàng hy sinh vì con cái, chỉ mong sao các con ăn học nên người.

Thuở bé, nhà nghèo bố tôi không được học lên cao, chỉ khoảng hết lớp 6 bây giờ. Nhưng cụ rất chịu khó đọc sách và học hỏi nên hiểu biết rộng, nhất là về văn học và lịch sử.

Ngày Tết bố tôi làm thơ căn dặn các con:

“Năm nay hơn hẳn mấy năm qua
Học tập chuyên cần giữ nết na
Hạnh kiểm chăm ngoan vui bụng mẹ
Văn bài xuất sắc đẹp lòng cha
Thầy trò nghĩa nặng hằng ghi nhớ
Bầu bạn tình thiêng phải thiết tha
Mai mốt trở nên người hữu dụng
Chung vai gánh vác nước non nhà.”

Tôi vẫn nhớ một kỷ niệm. Vào những năm 1966-1967, khi cuộc chiến tranh ác liệt nhất và đời sống người dân cũng nghèo khổ nhất. Cuộc sống gia đình tôi cũng ở đáy của nghèo khổ. Lúc ấy chị cả và anh thứ hai của tôi đang là học sinh cấp 3. Có 1 người bạn thấy bố tôi quá vất vả, đến khuyên ông cho 2 anh chị tôi thôi học để đi làm. Nhưng bố tôi trả lời dứt khoát: “Không, dù tôi có phải chết vì làm việc vất vả chứ dứt khoát không để các con tôi thất học”.

Thật may là anh chị em tôi đều là học sinh ngoan và học giỏi. Vì thế mà bố tôi hạnh phúc lắm. Tôi nhớ những buổi đêm ngồi học bài, nhìn bố tôi cặm cụi ngồi sửa đồng hồ, tôi không dám đi ngủ mà tự bảo mình phải học nhiều hơn nữa.

Sau khi tôi tốt nghiệp ĐH về nước là thời kỳ vô cùng khó khăn. Đã có lúc trong nhà tôi có tới 4 người thất nghiệp. Rồi anh em tôi cũng dần tự lập, ai nấy đều phải vật lộn với cuộc sống nên ít giúp đỡ được cha mẹ, ngoài một chút quà cáp. Đến năm 1993, khi nền kinh tế VN bắt đầu dễ thở một chút thì bố tôi rời bỏ chúng tôi về nơi vĩnh hằng, sau 1 cuộc đời lao động vô cùng vất vả.

Khi bố tôi mất, trong số những người đến tiễn đưa cụ có những câu chuyện làm tôi cảm động. Một ông ngày xưa có thời kỳ ngắn theo bố tôi học nghề sửa chữa đồng hồ. Nhưng ông không theo nghề này mà lại trở thành một võ sư có tiếng ở Hà Nội. Mấy chục năm Tết nào ông cũng đến chúc Tết thầy. Khi cụ mất, ông bảo với tôi: "Anh luôn tôn cụ là thầy không phải vì chuyện học nghề đồng hồ, mà vì đối với anh, cụ là thầy về cách sống vô cùng nhân hậu, tình nghĩa".

Một ông bạn vong niên khác thì đến khóc với bức trướng viếng ghi dòng chữ: “Rất mực thủy chung, vô cùng nhân hậu”.

Mỗi lần về quê, đứng trước mộ bố, tôi thấy mình quá bé nhỏ, chỉ thầm ước sau này, khi đã hoàn thành nghĩa vụ cuộc đời được hóa thân thành nắm tro về rắc dưới chân mộ bố.

Khi đất nước bắt đầu thực hiện đường lối đổi mới về kinh tế. Anh chị em tôi thường bảo nhau: Sau này anh em mình nếu có ai lập được công ty thì đặt tên là Công ty Vĩnh Thành. May mắn cho tôi là cuối cùng tôi cũng thực hiện được điều đó. Giờ đây nhiều khách hàng cũng gọi tôi là ông Vĩnh Thành. Điều đó làm tôi hạnh phúc vì thấy như mình đang sống tiếp cuộc đời của bố.

Bình Đỗ, ngày 21 tháng 6 năm 2009.

Thursday 12 October 2017

MÙA THU HÀ NỘI TRONG THƠ TRÚC VÀNG


Hà Nội mùa thu thật quyến rũ. Ai đã từng sống ở Hà Nội, khi đi xa cũng quay quắt nhớ về mùa thu nơi đây. Mùa thu Hà nội không chỉ là trời trong vắt, không khí mát lành, vườn cây lá đổ ... Mùa thu Hà Nội có cái nét không đâu có được mà chỉ có những người yêu say đắm Hà Nội mới có thể cảm nhận.
Với Trúc Vàng - nhà thơ của những bài thơ tình đằm thắm, bao dung, đượm nỗi buồn của một trí thức từng trải – thì mùa thu càng da diết trong thơ chị. Dù đang sống xa, nhưng mùa thu Hà Nội vẫn luôn thường trực trong tâm hồn, theo mỗi bước chân, đi đâu nhà thơ cũng nhớ về nơi mình đã từng sống với bao kỷ niệm vui buồn:
“Ta bước đi
trong nỗi nhớ thu xa
Nhớ ngôi nhà xưa bên khu vườn nhỏ
Con phố dài mùa này thu lá đổ
Xào xạc rơi
trên lối nhỏ vơi đầy”
(Trúc Vàng – Nỗi nhớ thu sang)
Hà Nội đấy, nơi có rất nhiều đường phố, ngõ nhỏ có lá vàng rơi mỗi độ thu về. Những cái tên đường Nguyễn Du, Quang Trung, Phan Đình Phùng, Hoàng Diệu, Trần Phú, Điện Biên Phủ ... là cả thế giới tuổi thơ của chúng tôi, nhất là phố Phan Đình Phùng với 3 hàng cây cổ thụ đan tán lá. Ngày học phổ thông tôi vẫn hàng ngày đi bộ dọc phố đến trường, dọc phố có nhiều cây sấu cổ thụ, mùa thu về những chiếc là vàng nhỏ rải đầy mặt phố như tấm thảm vàng. Tiết thu mát nhẹ, cái nắng nóng mùa hè đã lùi xa, đi trên phố vào mùa thu ai cũng thấy lòng nhẹ nhàng, gợi nhớ về những kỷ niệm với chút buồn vu vơ: