Saturday 19 February 2011

Không được phép tạo ra một linh vật lai căng

.
Người VN, dù có tín ngưỡng hay không, thì ai cũng công nhận rằng Rùa Hồ Gươm là biểu tượng linh thiêng của quốc gia. Vì thế mà dân ta tôn kính gọi là Cụ Rùa. Cụ Rùa Hồ Gươm là biểu tượng của ý chí độc lập tự cường của dân tộc. Vua Lê được Trời ban gươm báu để đánh giặc còn có ý nghĩa là Trời phật luôn che chở dân tộc ta trong mọi lúc gian nguy. Khi Đất nước thái bình thì Trời đòi lại gươm báu, vì gươm giáo chỉ được phép dùng để chống giặc ngoại xâm, không bao giờ được phép dùng để đàn áp nhân dân. Câu chuyện đòi gươm báu vì thế mà mang ý nghĩa nhân văn cao cả.
Hàng trăm người dân vây quanh Hồ Gươm để chiêm ngưỡng Cụ Rùa
Những ngày này sức khỏe của Cụ không tốt làm cả nước lo lắng. Trong khi các nhà khoa học sốt sắng đưa ra các biện pháp chữa trị cho Cụ thì các quan chức lại lo sợ trách nhiệm mà lừng chừng chẳng dám quyết. Tội cho Cụ quá.
Cụ Rùa với vết thương đầy mình như muốn trèo lên bờ
Một trong những nghi phạm làm tổn thương Cụ Rùa chính là bè lũ rùa tai đỏ có nguồn gốc từ Nước Lạ mà một số người vô ý thức đã thả xuống Hồ Gươm. Giờ thấy Cụ tuổi già sức yếu thì một vài người lại nghĩ tới chuyện ghép đôi cho Cụ để rùa thiêng "người nối dõi" - một tình cảm rất Á đông. Nghĩ thế thì cũng phải, nhưng nếu tìm bạn đời cho Cụ thì chỉ nên nghĩ tới rùa Đồng Mô. Đừng bao giờ nên nghĩ tới ghép đôi với rùa Nước Lạ. Vì sao ư ? Vì Cụ Rùa Hồ Gươm là linh vật thiêng liêng đối với người VN chúng ta. Nếu cho ghép đôi và thả con lai của Cụ vào Hồ Gươm thì dân Việt ta sẽ cảm thấy xúc phạm lắm. Đó sẽ chỉ là một con rùa lai chứ chẳng bao giờ có thể là Rùa thiêng trong tâm linh của người Việt.

Một điều nữa là câu hỏi: Tại sao môi trường Hồ Gươm đã quá ô nhiễm bao nhiêu năm nay mà chính quyền thành phố vẫn không có biện pháp cải tạo ? Thứ nhất, như đã nói, là họ vô cảm và sợ trách nhiệm. Thứ hai là họ đặt ra quá nhiều mục tiêu. Trong khi muốn cải thiện môi trường nước Hồ Gươm thì lại muốn giữ nguyên vẹn cái màu xanh đặc trưng của nước hồ. Cái màu xanh ấy là do một số loại tảo tạo ra. Có khó khăn gì trong việc giữ lại khoảng 100 m3 nước hồ để nhân giống tảo có màu xanh ấy. Mà cái màu xanh ấy liệu có quan trọng bằng một hồ nước trong lành, xứng đáng là nơi gửi gắm hồn thiêng của dân tộc.

Cụ Rùa, cũng như mọi vĩ nhân khác, đã sinh ra thì rồi sẽ có ngày Cụ từ giã cõi trần để về giời. Cái quan trọng là phải chăm lo cho sức khỏe cụ lúc còn sống. Một mai nếu cụ từ biệt chúng ta, thì đã có Rùa Đồng Mô kế tục ngôi vị đặc biệt của Cụ. Mà Hồ Gươm, nếu sau này không còn Cụ Rùa, thì hình ảnh của Cụ cũng mãi mãi sống trong tâm linh người Việt, như hình ảnh của Thánh Gióng, Sơn Tinh, Lạc Long quân, Chử Đồng Tử ... Không bao giờ, không bao giờ chúng ta cần một con rùa lai ngự trị ở Hồ Gươm.

Thursday 17 February 2011

Một người trung hoa tàn tật

Năm 2005 tôi có dịp đi du lịch Nam Ninh, Quảng Châu, Thâm Quyến (Trung quốc) kết hợp với dự hội chợ về thiết bị y tế. Chuyến đi để lại trong tôi ấn tượng, tuy còn rất sơ sài, về một nước TQ đang trên đà phát triển. Các thành phố Nam Ninh đã sầm uất gần như Hà Nội, Quảng Châu thì hiện đại hơn HN, còn Thâm Quyến thì khỏi nói - chẳng kém cạnh gì so với Budapest về nức độ hiện đại, tuy về khía cạnh cổ kính thì kém xa. Thật kỳ diệu khi được biết trước đó 27 năm Thâm Quyến vẫn còn là một làng chài nghèo bên cạnh Hongkong.

Người dân vùng Nam TQ (chủ yếu là người dân tộc Choang) trông vẻ ngoài và vóc dáng cũng không khác nhiều so với người VN mình. Ở họ luôn thấy toát lên sự miệt mài lao động và nhẫn nại, chịu đựng. Điều lạ là tại các điểm mà đoàn du lịch đến thì luôn có các nhân viên thạo tiếng Việt phục vụ. Tôi nghĩ có lẽ họ là những người Hoa từng sinh sống ở VN. Nhưng không hẳn vậy. Cậu phiên dịch cho đoàn chúng tôi cho biết anh ta đã bắt đầu học tiếng Việt ở Quảng Châu, sau đó chỉ sang học nâng cao tiếng Việt ở ĐH Quốc gia Hà Nội trong 2 năm. Tôi lại gặp một cô bé phiên dịch cho đoàn khác cũng vậy. Thì ra là ở tỉnh Quảng Đông họ rất có ý thức làm ăn buôn bán với VN, vì thế mà có một số người đã chọn học tiếng Việt như một nghề để kiếm sống. Đến đây tôi chợt thấy phân vân: VN mình có ông hàng xóm bất đắc dĩ TQ, chẳng tránh đi được, thế thì dân mình cũng phải có rất nhiều người giỏi tiếng TQ để có thể hiểu họ và làm ăn sòng phẳng được với họ. Hiểu họ để luôn cảnh giác, tránh được những ngón đòn thâm hiểm của họ.

Tại Quảng Châu, đoàn du lịch chúng tôi được đưa đến thăm khu công viên Thế giới thu nhỏ, nơi có mô hình thu nhỏ của các công trình kiến trúc điển hình khắp thế giới như tháp Effen có kích thước bắng 1/3 công trình thật. Sau khi ra khỏi công viên, dừng chân ăn cái kem cho đỡ khát, bất chợt tôi thấy 2 vợ chồng một người tàn tật. Anh chồng cũng chạc ngoài 50, cụt cả 2 chân ngồi trên xe đẩy. Chị vợ đẩy xe cho chồng. Trông họ rất nhẹ nhàng và nghiêm cẩn chứ không xin xấn xổ hay nì nèo khách qua đường. Thấy chạnh lòng tôi rút ít tiền lẻ (cũng chỉ độ 20 nghìn nếu qui ra tiền VN) và đi tới chỗ họ. Khi còn cách khoảng 2m trong tôi chợt vụt lên 1 ý nghĩ: Người đàn ông này trên 50, nghĩa là khi xảy ra cuộc chiến 1979 rất có thế anh ta từng là người lính sang đánh phá và tàn sát dân ta ở vùng biên giới. Tôi thoáng cảm thấy ghê tởm và căm thù. Rồi tôi tự chấn an: nhỡ mình nhầm thì sao. Vả lại nếu quả đúng là như thế thì anh ta cũng chỉ là nạn nhân của chính quyền Cheng Hao Ping và anh ta cũng đã phải trả giá bằng đôi chân của mình. Tình đồng loại lại thắng trong tôi. Tôi tiến tới gần, bằng cả 2 tay tôi cúi người đưa tiền cho người đàn ông tàn tật. Hai vợ chồng họ khiêm nhường chắp tay liên tục cảm ơn. Tôi chỉ nói khẽ: "Wê Nản", rồi nhanh chóng trở về chỗ các bạn cùng đoàn.