Sunday 20 November 2011

Liệt sỹ Nguyễn Văn Mao - người anh hùng đã để lại "Dáng đứng Việt Nam"

Hôm nay lang thang trên Internet tìm đọc thơ, tôi bắt gặp bài viết "Một huyền thoại trong thơ" của TS.Phạm Thành Hưng đăng trong Kỷ yếu một cuộc tọa đàm về nhà thơ Lê Anh Xuân. Trong bài viết này có nêu ra tên thật của người chiến sỹ đã hy sinh trong một trận đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất. Cái chết anh hùng của anh đã là cảm xúc để L.A.Xuân viết nên bài thơ nổi tiếng.

Văn bản kỷ yếu này có thể tìm thấy tại đây.
Sau đây là đoạn trích nói về người liệt sỹ:

Lần thứ 4 tôi đọc bài thơ khi viếng nghĩa trang Đường 9, nơi có rất nhiều sinh viên trong đại đội tôi yên nghỉ. Tôi chợt nhớ tới 2 cách ví von trái chiều nhau. Một triết gia thông thái nào đó ở phương Tây gọi thư viện sách là nơi lưu giữ hài cốt của trí tuệ. Còn người VN, nhà thơ Diệp Minh Tuyền trong bài thơ “Tản mạn trong nghĩa trang chiều” lại ví nghĩa trang như một thư viện lớn, mỗi tấm bia là một cuốn sách dày, mỗi cuốn sách đều đang viết giở. Cách nhìn cuộc đời của nhà thơ VN ở đây có chiều sâu nhân văn hơn. Sau mỗi tấm bia hồi hộp những linh hồn. Tôi nghĩ, bài thơ DĐVN cũng là một tấm bia, cũng là một nén hương thắp cho người chiến sỹ vô danh hy sinh trong trận đánh sân bay TSN. Khi viết bài thơ này, Lê Anh Xuân và các chiến sỹ trong hậu cứ chưa hề xác định được danh tính liệt sỹ đó. Chính vì vậy mới có câu hỏi vừa có chức năng tu từ vừa phản ánh đúng sự thật: Anh tên gì hỡi anh yêu quý”.

Chuyện kể rằng, năm 1966, không quân Mỹ ném bom miền Bắc, tàn sát nhiều người dân vô tội ngay trên đất Hà Nội. Để trả thù cho đồng bào Hà Nội, có hai đơn vị quân giải phóng được lệnh đánh vào sân bay TSN. Trận đánh thắng lợi, ta tiêu diệt hàng trăm máy bay các loại trên các đường băng. Nhưng trên đường rút lui, có một chiến sỹ bị kẹt lại giữa vòng vây địch. Anh bị thương nhưng vẫn gượng đứng lên nổ súng. Bọn giặc gọi hàng, anh trả lời “Quân giải phóng không biết đầu hàng", và tiếp tục chiến đấu. Tư thế chết đứng của anh làm quân thù kinh sợ. Khi khám tử thi, bọn giặc không thấy trong anh có một mảnh giấy nào để xác minh họ tên, đơn vị… Nghe câu chuyện kể lại, ngay đêm ấy LAX viết xong bài thơ cho kịp ngày hôm sau lên đường. Đoạn đầu của bài thơ đậm tính tự sự, miêu tả một câu chuyện có thật về người chiến sỹ vô danh đó. Hình tượng thơ vận động từ cụ thể tới khái quát, từ hiện thực tới lãng mạn. Cuối bài thơ, không gian nghệ thuật mở rộng thành một không gian sử thi hoành tráng. Câu chuyện riêng của một người đã thành câu chuyện chung của đất nước. Trong một chừng mực nhất định, có thể gọi đây như là bài thơ “tượng táng”. Nhà thơ đã tượng táng chiến sỹ vô danh đó bằng ngôn ngữ thi ca.

Hôm nay, người chiến sỹ của LAX không còn vô danh nữa. Theo nhà văn Đinh Phong, anh giải phóng quân đó chính là anh Nguyễn Văn Mao, quê ở xã Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh, Tp Hồ Chí Minh, khi ở lại yểm hộ, chặn đường cho đồng đội rút ra khỏi sân bay, rồi hy sinh là Trung đội phó trung đội trinh sát thuộc tiểu đoàn 6 - Bình Tiên, tiểu đoàn từng 3 lần nhận danh hiệu Anh hùng LLVT. Liệt sỹ Nguyễn Văn Mao cũng đã được hoàn thiện hồ sơ để truy tặng danh hiệu Anh hùng. Cả hai - nhân vật trữ tình và thi sỹ, đều đang thành tên đất nước”.