Wednesday 25 August 2010

Nhân sự kiện NBC, nhớ chuyện thời bao cấp

"Thời cả nước còn đói khổ, có gia đình ở nông thôn khá đông con. Trong nhà có cậu con cả học hành khá thông minh, là niềm hy vọng để gia đình và giòng họ mở mày mở mặt với làng xóm. Thế là cha mẹ cậu dồn tất cả lực vào để nuôi cậu đèn sách. Những ngày giáp hạt, các em cậu phải nhịn đói hoặc ăn bất cứ rau củ gì đào được để qua ngày, nhưng riêng với cậu thì cha mẹ không cho phép đói. Cậu bé cũng ngoan và học hành chăm chỉ. Cậu học hết phổ thông, hết đại học rồi đi làm công chức trên tỉnh.

Đến các em cậu thì bố mẹ hết lực rồi, chẳng đứa nào được học lên nổi cấp 3, cứ bỏ ngang mà làm ruộng hết. Cậu thứ hai từ bé đã lầm lũi làm việc phụ giúp cha mẹ. Lớn lên cậu học nghề mộc và cuối cùng cậu cũng mở được xưởng mộc tại nhà. Cậu kiếm được tiền phụng dưỡng cha mẹ và lo cho các em lần lượt lấy vợ lấy chồng.

Nhưng đối với cha mẹ cậu thì ông anh cả mới là niềm tự hào. Thỉnh thoảng về làng, ông mặc sơ mi trắng, quần tây là li thẳng tắp thì cha mẹ hãnh diện lắm. Ở nhà có việc gì cha mẹ cũng bảo để hỏi ý kiến anh cả. Đám cưới các em thì anh cả cũng thay mặt cả bố mẹ mà phát biểu trước quan viên hai họ. Cậu hai thì cứ lầm lũi làm việc như nghĩa vụ của cậu."

Câu chuyện trên tôi được đọc trên báo chí VN thời kỳ bắt đầu đổi mới. Cũng là để suy ngẫm về việc Chính phủ nhiệt thành tung hô thành tựu của các tài năng gốc Việt mà xao lãng việc trọng dụng đối với những trí thức đang làm việc ngày đêm tại chính quê nhà.


Monday 23 August 2010

Thầy thuốc của nhân dân

Tôi kể chuyện của mình cho những ai đã từng bị căn bệnh dị ứng hành hạ. Người ta thường bảo "ngứa ghẻ, hờn ghen", nhưng ngứa ghẻ chắc còn thua xa ngứa do dị ứng. Từ năm 1984 tôi bỗng dưng bị dị ứng mà không rõ nguyên nhân. Triệu chứng của những lần đầu tiên là xuất hiện các mảng mày đay (các mảng mẩn đỏ và ngứa) lớn trên toàn thân. Ban đầu khoảng 6 tháng tái phát 1 lần. Về sau bệnh của tôi cứ ngày càng nặng hơn, tần suất mắc cũng dày hơn. Lúc đỉnh điểm là vào những năm 1986 -1989, khi đó cứ khoảng 2 tháng tôi bị mắc 1 lần, mỗi lần mắc kéo dài khoảng 10 ngày. Đỉnh điểm của mỗi lần mắc là lúc toàn thân là các mảng mày đay lớn, mẩn đỏ như con tôm luộc, ngứa không thể chịu đựng nổi. Dị ứng ăn vào toàn bộ các nội tạng, nên lòng dạ nôn nao, đau bụng và tiêu chảy nhẹ. Phổi cũng bị dị ứng gây ho. Hai con mắt thì đỏ lừ như người mắc đau mắt đỏ.

Khi ấy đang là nhân viên của một bệnh viện lớn, nên tôi luôn được các bác sĩ trong bệnh viện nhiệt tình điều trị: chữa bệnh nhiều lần tại khoa Dị ứng miễn dịch lâm sàng, tại khoa Y học cổ truyền dân tộc, tiêm vitamin C liều cao ... nhưng bệnh không hề thuyên giảm mà cứ đúng 10 ngày thì tự khỏi. Đôi khi tôi tiêu cực nghĩ chắc số mình không sống lâu.

Năm 1996, khi đang làm việc tại Cty bất động sản TÔGI, một lần tôi phải đi vào Nghệ An để bảo vệ dự án xây dụng Khách sạn TÔGI Cửa Lò. Trước ngày đi tôi đã có những triệu chứng đầu tiên của một đợt dị ứng. Nhưng do công việc cần thiết tôi vẫn lên đường vào Nghệ An. Có lẽ do đi đường nên các triệu chứng phát triển nhanh hơn. Buổi tối hôm ấy tôi bị dị ứng đến đỉnh điểm, nghĩa là toàn thân và 2 con mắt đỏ rực, người ngợm nôn nao. Sáng hôm sau phải bảo vệ dự án rồi, làm thế nào bây giờ ? Tôi yêu cầu lái xe đưa đến Bệnh viện Việt Nam - Balan. Bác sĩ trực hôm ấy là một người đàn ông trông bé nhỏ, hiền lành và hơi quê. Ông khám xét, hỏi han kỹ lưỡng về bệnh sử và các phương pháp mà tôi đã được điều trị. Sau đó ông kê một đơn thuốc gồm nhiều thứ thuốc phải uống và tiêm ngay lập tức. Ra ngoài hiệu thuốc của Bênh viện mua thuốc hết có 12.900 đồng. Nhìn thấy quá nhiều thứ phải uống và tiêm, tôi hơi lo và bảo cậu lái xe vào cùng để "nhỡ có mệnh hệ gì". Trở lại phòng khám, ông bác sĩ trực tiếp tiêm cho tôi rồi lại đưa thuốc và rót nước yêu cầu tôi uống ngay trước mặt ông. Xong việc mà thấy chẳng làm sao, cảm động trước sự tận tình của vị thầy thuốc, theo thói quen của xã hội, tôi đưa 50.000 đồng biếu. Trong phòng khám không có bệnh nhân nào khác, nhưng ông vẫn quyết không nhận. Sợ ông cho là tiêu cực, tôi nói: "Anh khám cho em xong rồi, em chỉ bày tỏ lòng biết ơn thôi". Ông vẫn không nhận. Tôi nài nỉ, mãi sau ông bảo thế thì đưa cô y tá.

Lạ lùng thay, chỉ sau 2 tiếng đồng hồ, căn bệnh dị ứng của tôi hoàn toàn biến mất. Và từ đó tới nay tôi khỏi hẳn bệnh. Tôi vẫn giữ đơn thuốc đó, xin post lên đây để các bạn tham khảo.

Mãi tới năm 2004, tình cờ gặp một người công tác tại Bệnh viện VN-Balan, tôi kể lại câu chuyện và đưa đơn thuốc ấy ra hỏi. Người này sau khi nhìn đơn thuốc nói: "Anh gặp may quá đấy. Người chữa cho anh chính là Bác sĩ Thắng thầy thuốc nhân dân".

Bình Đỗ