Wednesday 23 March 2011

Những samurai của Việt Nam

Trong những ngày qua, khi nước Nhật gặp phải thảm họa kép động đất - sóng thần - nổ nhà máy điện hạt nhân, chúng ta đã được chứng kiến tình cảm của người VN đối với bạn bè. Người dân buồn bã, thậm chí xấu hổ khi thấy khoản tiền trợ giúp quá ít ỏi mà Chính Phủ đưa ra. Rồi một phong trào quyên góp ủng hộ nhân dân Nhật được phát động khắp cả nước. Trên thế giới mạng tràn ngập những lời chia xẻ đau thương và những lời động viên, khâm phục tinh thần chịu đựng, tính trách nhiệm và tính kỷ luật của người dân Nhật Bản. Những kỹ sư, những người thợ chấp nhận tiếp tục ở lại nơi có dò gỉ phóng xạ để quyết tâm cứu các nhà máy điện hạt nhân được tôn vinh là những samurai thời hiện đại. Tất cả những điều đó đều quá đúng với người Nhật.

Tuy nhiên, một số người lại liên hệ ngược để nói rằng người VN ta hoàn toàn không có những đức tính cao quý ấy. Họ nói cũng chẳng sai. Người VN ta hiện nay quá quen với thái độ chen lấn, tranh cướp, hành động ích kỷ nơi công cộng. Nhưng nếu nhớ lại thời kỳ chiến tranh có thể thấy người VN ta không thiếu các tấm gương hy sinh vì cộng đồng. Đó thực sự là cái thời "ra ngõ gặp anh hùng" vậy. Ngay cả trong những ngày bão lụt khủng khiếp ở miền Trung cũng có rất nhiều tấm gương về những con người cao thượng. Trong đại nạn thì không còn chỗ cho các toan tính nhỏ nhen.

Thế tại sao trong cuộc sống thường ngày ở nước ta lại có hiện tượng "ra ngõ gặp Chí Phèo" ? Câu chuyện em bé 9 tuổi người Nhật không nhận sự ưu ái cho riêng mình mà hy sinh vì sự công bằng làm cả thế giới xúc động và ngưỡng mộ. Nếu ở VN liệu em bé ấy có dám hành động như thế không ? Nếu nhìn thấy những người phân phát hàng cứu trợ tham ô phần nhiều cho gia đình mình, ưu tiên phân phát cho những người thân quen ... thì em bé ấy sẽ cảm thấy suy nghĩ như mình là "dở hơi", chờ đợi đến lượt mình thì chết đói trước khi trở thành người tốt. Người Nhật không tranh cướp vì họ có niềm tin rằng chính quyền sẽ công bằng và làm hết sức mình để cứu người dân.

Tôi muốn kể lại 1 câu chuyện về những samurai của Việt Nam ngày nay: Ai cũng biết cách đây 8 năm, một du khách Hongkong vào VN vô tình mang theo căn bệnh SARS chết người. Bệnh này gây kinh hoàng khi lây rất nhanh theo đường hô hấp qua tiếp xúc và người bị lây nhiễm hầu hết cũng tử vong rất nhanh. 4 bác sĩ và y tá có tiếp xúc với bệnh nhân đã bị lây nhiễm nhanh chóng hôn mê và tử vong sau vài ngày. Bộ Y tế VN và Tổ chức YTTG vào cuộc. Các thông tin được công khai: Đây là căn bệnh rất mới, thế giới không có kinh nghiệm gì, phác đồ ngăn chặn và điều trị được đưa ra  mang tính cấp cứu. Người dân cả Hà Nội sống trong căng thẳng với nguy cơ vô hình.

Viện Y học lâm sàng nhiệt đới là đơn vị được chỉ định làm đầu mối điều trị cho các bệnh nhân có dấu hiệu nhiễm bệnh. Lúc này, nếu có một nhân viên y tế nào của Viện quá lo sợ mà bỏ việc thì cũng là điều dễ hiểu, vì tính mạng cao hơn một suất việc làm. Nhưng trách nhiệm xã hội đang trên vai họ. Họ không làm việc thì xã hội trông chờ ai ? Sự thật là không có một nhân viên nào bỏ nhiệm sở. Qua câu chuyện này ta có thể thấy rõ người VN có tinh thần cao thế nào khi trách nhiệm thực sự đặt lên vai họ.

Vấn đề là có mấy khi chúng ta được gánh vác trách nhiệm :-))
Lúc bình thường thì các đồng chí quyền cao chức trọng và con cháu các đồng chí ấy nai lưng gánh hết các "trách nhiệm" rồi còn đâu. Trách gì mà người dân thấp cổ bé họng chẳng vô trách nhiệm.