Wednesday 12 January 2011

Lập nghiệp và làm giầu phải bắt đầu bằng lao động

Cách đây vài hôm, anh bạn thân thiết của tôi từ thời để chỏm gọi điện báo sự việc buồn: Thằng con trai 26 tuổi của anh bị dụ lao vào kinh doanh thua lỗ đã mắc nợ tới hơn 3 tỷ đồng, bị thúc nợ quá đã phải thú thật cầu cứu bố mẹ. Chẳng còn cách nào khác, vợ chồng anh đành phải quyết định bán đi ngôi nhà bé xíu, dựng trên mảnh đất có 30 m2 để trả nợ hộ con. Thế là công sức cả đời chăm chỉ, tằn tiện của hai vợ chồng đã bị ông con trai tiêu tan gần hết.

Hỏi kỹ thì biết câu chuyện kinh doanh của cậu con phá gia chi tử là thế này: Sau khi lấy vợ, có chút vốn cha mẹ 2 bên cho, cậu quyết định ngay lập tức trở thành ông chủ. Dù đã được lo cho chỗ làm tốt tại cơ quan nhà nước, nhưng cậu vẫn được "bạn bè" rủ rê góp vốn mở nhà hàng với oai danh là một "thành viên hội đồng quản trị". Cậu biết đâu với vốn kiến thức ít ỏi và kinh nghiệm thương trường gần như bằng 0, cậu chỉ là con mồi cho họ moi tiền mà không kiểm soát nổi. Khi cậu đã say "kinh doanh" thì lại được rủ rê lao vào một phi vụ buôn ô tô. Không có tiền ư ? Thì đây đã có người cho vay mà chẳng cần có tài sản thế chấp. Ngon như bánh vẽ. Cậu vay tiền hùn vốn đánh quả. Kết cục là tiền mất tiêu mà chẳng có hàng nào về. Đã vay là phải trả, bây giờ thì các chủ nợ quyết liệt thúc nợ, chậm trả ngày nào chịu lãi cắt cổ ngày ấy. Còn may là thằng bé đã không cùng đường tính quẩn mà về cầu cứu bố mẹ. Vợ chồng bạn tôi như chết đứng. Đứa con trai vồn hiền lành, ngoan ngoãn, nào ngờ lại gây ra thảm họa như thế cho gia đình.

Câu chuyện nêu trên để lại nhiều bài học cho các bạn trẻ muốn làm giầu nhanh chóng.

Thứ nhất là lập nghiệp mới là quan trọng, trước khi nghĩ đến làm giầu. Lập nghiệp là tìm được cho mình một chỗ đứng ổn định trên thương trường, lại có triển vọng sẽ ngày càng phát triển. Có một chỗ đứng vững chắc là cơ sở để có thể phát triển kinh doanh với đôi chút rủi ro, vì ít ra mình cũng đang làm ra tiền. Thêm nữa, có độc lập đứng được trên thương trường, dù là còn bé nhỏ, bạn cũng sẽ thu về được rất nhiều kinh nghiệm thực tế. Bạn cũng biết quý trọng đồng tiền hơn khi tự mình phải kiếm tiền trang trải cuộc sống và duy trì doanh nghiệp. Từ đó bạn sẽ biết tôn trọng hơn bạn hàng và khách hàng của mình. Khi đã có kiến thức và kinh nghiệm thương trường, việc kinh doanh dường như không quá khó nữa. Lúc đó kiến thức, kinh nghiệm và uy tín của bạn sẽ chuyển biến thành lợi nhuận.

Điểm thứ hai, đó là tư duy. Rõ ràng nếu có cái gì đó mang lại lợi nhuận 1 cách quá dễ dàng thì cần phải biết nghi ngờ. Bài học này không mới khi rất nhiều người bị lừa bởi những người huy động vốn với lãi suất cao. Lúc đầu những người đứng ra huy động làm ra vẻ rất thành đạt và trả lãi đúng hạn. Khi các con mồi đã say, đi vay thêm người khác để cho vay ngày càng nhiều nhằm đứng giữa hưởng chênh lệch. lúc đó chính là lúc đổ bể và mất trắng. Trường hợp nêu trong bài này chính là việc góp vốn dễ dãi, lại được chính những người rủ góp vốn bày cho cách vay vốn không cần thế chấp. Dấu hiệu lừa đảo thật rõ ràng khi trên đời chẳng ai cho một thanh niên mới lớn vay không thế chấp hàng tỷ đồng.

Điểm thứ thứ ba chính là quan điểm về làm giầu. Làm giầu không phải là đi cướp của thiên hạ. Làm giầu là bằng lao động, kiến thức và tài năng của mình để tạo ra một doanh nghiệp cung cấp hàng hóa, dịch vụ với chất lượng và giá cả cạnh tranh được trên thương trường để phục vụ xã hội. Lợi nhuận chính là xã hội trả công cho ta.

Điểm thứ tư là khi đã thua phải biết chấp nhận thua, rồi sẽ tĩnh tâm rút kinh nghiệp và làm lại từ đầu, chứ nếu say đòn, không biết điểm dừng thì sẽ thua rất đậm. Cũng may mà bạn tôi chỉ mới mất tiền chứ chưa mất con.

2 comments:

  1. Các bài viết của chú rất hay, cháu xin góp thêm thêm 2 suy nghĩ nữa nhớ chú chỉ bảo là :

    1/ Cháu thấy có nhiều người cứ suy nghĩ theo kiểu "phân quyền, chia việc" ra, ngồi chỉ tay năm ngón là sẽ có thể thành công. Các tập đoàn lớn trên thế giới đi thuê bao nhiêu CEO giỏi về nhưng có bao nhiêu bài học thất bại nên muốn thành công chia việc chỉ là 1 phần mà còn phải tự suy nghĩ, giám sát chặt chẽ mới thành được

    2/ Ko nên đi vay ngân hàng quá 20,30% khả năng của bạn vì tiền lãi sẽ là gánh nặng rất nhiều, khi đổ bể ra mình còn có thể xoay sở được ...

    Rất cảm ơn chú vì bài viết trên

    ReplyDelete
  2. Cảm ơn cháu, nhưng chú không phải là nhà nghiên cứu kinh tế nên chắc không trả lời nổi các câu hỏi của cháu. Chú chỉ viết để chia xẻ những kinh nghiệm và cảm nhận của chú. Cháu là người ham học hỏi và suy nghĩ có trách nhiệm, vì thế chú tin chắc rằng cháu sẽ thành công.

    ReplyDelete