Friday 12 March 2010

Chuyện hy hữu ở bệnh viện và vấn đề trách nhiệm người đứng đầu

Câu chuyện có thật, xảy ra cách nay đã 25 năm tại khoa ngoại một bệnh viện hàng đầu của Việt Nam: người bệnh thận bị đưa ra mổ dạ dày, còn người bệnh dạ dày suýt nữa bị mổ thận. Tóm tắt diễn biến như sau:

Khoa ngoại có 2 phòng mổ. Theo lịch sáng hôm đó sẽ có 2 bệnh nhân được mổ. Buổi sáng y tá vào phòng bệnh dẫn người bệnh thận vào phòng mổ. Sau khi chỉ phòng mổ cho người bệnh, cô y tá vào dẫn tiếp người bệnh dạ dày. Cô y tá không ngờ khi cô quay ra thì người bệnh thận chợt nhớ ra mình chưa đi tiểu nên thay vì vào phòng mổ, ông ta đi tìm nhà vệ sinh. Khi cô y tá dẫn người bệnh thứ hai tới, cô bảo người bệnh thấy phòng nào còn trống thì vào, rồi bỏ đi. Người bệnh dạ dày thấy cả 2 phòng mổ đều trống thì tùy chọn vào 1 phòng và nằm lên giường mổ. Người bệnh thận sau khi đi vệ sinh quay lại, thấy 1 phòng đã có người nằm thì vào phòng còn lại và cũng nằm lên giường mổ chờ.

Sau buổi giao ban đầu giờ 2 êkíp mổ tới làm việc. Mỗi êkíp gồm 3 người: bác sĩ phẫu thuật, y sĩ gây mê và y tá phụ mổ. Cả hai êkip vô tư tiến hành gây mê và mở thành bụng người bệnh. Lúc đó họ mới tá hỏa khi thấy người bệnh dạ dày thì dạ dày vẫn tốt, và cũng tình thế đó với người bệnh thận. Là các bác sĩ có tay nghề tốt, họ nhanh chóng quyết định khâu đóng thành bụng người bệnh chờ lần mổ sau.

Sự việc trở nên nghiêm trọng hơn khi người bệnh thận suýt bị mổ nhầm dạ dày là ông già trên 70 tuổi. Ông ta phải chịu oan một cuộc phẫu thuật.

Một hội đồng xét kỷ luật của bệnh viện được thành lập để xem xét khuyết điểm của 2 êkip mổ.

Vậy tại sao có thể xảy ra tai nạn hy hữu này ? Thực ra các quy định của ngành y tế rất chặt chẽ, trong đó có các qui định về "5 TRA, 3 ĐỐI" (Tức là 5 điều cần kiểm tra và 3 điều cần đối chiếu). Ví dụ, khi y tá dẫn người bệnh đến phòng mổ thì, dù biết chắc đó là người mình cần dẫn, vẫn cần tiến hành kiểm tra lại tên, tuổi, ngày vào viện ... của đối tượng. Cũng y như thế, y sĩ gây mê cũng phải làm đúng các thủ tục đối chiếu trước khi gây mê, bác sĩ phẫu thuật lại cần đối chiếu lần nữa trước khi bắt đấu ca mổ.

Thực ra con người ai cũng có thể có lúc sai sót. Các qui định của ngành y tế là để hạn chế đến mức thấp nhất các sai sót nghiệp vụ, vì ngành này lên quan đến tính mạng con người.

Nguyên nhân nào đã dẫn đến việc trong 1 buổi sáng cùng lúc có tới 7 người bỏ qua khâu đối chiếu người bệnh và hồ sơ bệnh án ? Theo tôi nghĩ, đó là do lãnh đạo khoa ngoại đã rất lâu buông lỏng việc quản lý, đôn đốc nhân viên thực hiện đúng các qui định.

Vậy ai là người trước tiên cần phải chịu án kỷ luật ? Tất nhiên đó là ông trưởng khoa. Đúng ra ông ta xứng đáng bị cách chức vì không làm tròn nhiệm vụ quản lý. Nhưng điều đó chỉ có thể xảy ra ở các nước tiên tiến. Còn đây là đất nước Việt Nam ta. Một sự thật nữa là chính ông trưởng khoa khi đó lại ung dung ngồi trong hội đồng kỷ luật để phán xét các nhân viên của mình. Khi có người hỏi ông tại sao qui chế "5 TRA, 3 ĐỐI" bị buông lỏng thế, ông trả lời: "Đâu có, các qui định đều rất rõ ràng". Thế mới biết làm quan sướng thật; có quyền, có lợi, có thế, nhưng không phải chịu trách nhiệm gì cả.

No comments:

Post a Comment