Thursday 18 March 2010

Những em bé có nhân cách lớn

Những ngày gần đây, dư luận xôn xao về clip "nữ sinh đánh hội đồng bạn cùng lớp". Một việc thật xấu hổ, và càng chán ngán hơn với cách giải quyết vô trách nhiệm, hời hợt của giáo viên chủ nhiệm và BGH trường PTTH Trần Nhân Tông. Sự việc này phản ánh rõ nét sự suy đồi đạo đức của xã hội, mà trẻ em vừa là hệ quả, vừa là tấm gương phản ánh xã hội người lớn. Có người ví sự việc mấy nam học sinh vô cảm ngồi nhìn một bạn gái bị đánh hội đồng với việc ở các cơ quan, khi một người chống tiêu cực bị "đánh hội đồng" trong cuộc họp thì có hàng bao nhiêu người lớn "khôn ngoan" vô cảm ngồi nhìn.

Tôi chợt nhớ tới 2 kỷ niệm ấn tượng trong đời:

1/ Mùa hè năm 1990, trên đường công tác từ Hải Phòng về Hà Nội, đến một chiếc cầu hẹp chỉ đủ 1 làn ô tô thì xe của tôi phải dừng lại chờ đoàn xe ngược chiều đang qua cầu. Trong lúc xe dừng có nhiều trẻ con vây quanh xe chào bán đủ thứ như bánh kẹo ... một bé gái khoảng 8 tuổi đến bên cửa xe chỗ tôi ngồi, trên tay bé là chiếc mẹt nhỏ với mấy tờ tạp chí cũ. Cô bé cứ mời mua mãi, còn tôi thì chẳng hứng đọc. Thấy trời nắng chang chang, thương bé con tội nghiệp tôi rút tờ 10.000 ra bảo: Báo cũ chú không đọc, nhưng chú cho cháu tiền này. Con bé rụt tay nhất định không nhận rồi lại năn nỉ mời mua báo. Tôi đành đồng ý mua 2 tờ với giá 7 nghìn đồng. Vừa lúc ấy xe chuyển bánh. Tôi nói: Cháu không cần trả lại, cho cháu nốt. Nhưng thật cảm động khi cô bé vẫn cứ đếm đủ 3000 đồng và chạy vội theo xe đang từ từ lăn bánh dúi trả lại cho tôi. Tôi hơi ngạc nhiên nhưng rồi hiểu ra là cô bé có lòng tự trọng cao quý, bé đi bán hàng chứ không đi ăn xin.

2/ Năm 1992 trong chuyến đi công tác tại đảo Síp, chúng tôi 4 người rủ nhau mua tour du lịch cuối tuần sang thăm Ai Cập. Trước chuyến đi, đối tác người Síp dặn kỹ rằng sang Ai Cập thì đừng nên ăn gì, uống gì tại địa phương vì rất dễ mắc bệnh lạ. Nghe lời, chúng tôi chuẩn bị thật nhiều đồ ăn mang theo. Không ngờ khi sang Ai Cập công ty tổ chức tour lại phát cho quá nhiều thức ăn mà ngay cả người ăn khỏe như tôi cũng bó tay. Buổi chiều chủ nhật, ô tô chở chúng tôi dừng ở một đường phố ven thủ đô Cairo. Bọn trẻ con địa phương thấy khách nước ngoài thì vây quanh ô tô. Trông chúng cũng nghèo khổ như trẻ con VN ngày ấy. Lúc đầu có 1 người ném xuống quả cam. Bọn trẻ tranh cướp nhau. Mấy người khác thấy vậy ném tiếp những quả cam khác. Bọn trẻ lại tranh cướp, chúng khá đông, có dễ đến hơn chục đứa ... Rồi cả ô tô thi nhau ném xuống nào là cam, những túi bánh mì, túi thịt nguội, lon nước ngọt ... Bọn trẻ lại kéo đến thêm đông và tranh cướp nhau. Hứng chí tôi cũng ném cam và bánh mì xuống đường (thật xấu hổ !).

Chợt tôi quan sát thấy 2 mẹ con một gia đình người Thụy Điển ngồi hàng ghế trước tôi từ đầu vẫn ngồi yên. Họ nói chuyện khẽ khẽ với nhau. Rồi cậu bé cầm túi thức ăn xuống xe, đến nơi những đứa trẻ nhỏ nhất - những đứa luôn thua thiệt khi tranh cướp, cậu cúi xuống trân trọng đưa những quả cam, những túi bánh mì cho từng đứa trẻ. Tôi khi ấy thấy xấu hổ khi mình đã không biết hành động như cậu bé con và thầm cảm phục nền giáo dục của những người Thụy Điển. Họ trân trọng giúp đỡ người nghèo chứ không bố thí.

No comments:

Post a Comment